BBC
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
- 4 giờ trước

Việc Đảng Cộng sản ở Việt Nam chống tham nhũng có làm bộ máy xơ cứng? Câu trả lời là đúng như vậy! Đảng đang đẩy mạnh chống tham nhũng, và chiến dịch này đang mở rộng đến cấp tỉnh trước thềm Đại hội 13.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tăng cường tập trung quyền lực để duy trì chế độ bằng các án kỷ luật ngày càng nghiêm khắc và ban hành các quy định kiểm soát cán bộ đảng viên.
Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng đang mang lại niềm tin cho người dân, nhưng nó cũng hạn chế tính tự chủ, độc lập tương đối của các địa phương, nhất là cấp tỉnh, thành phố trong việc có thêm quyền lực qua phân cấp, phân quyền để chủ động và mạnh dạn thực thi chính sách phù hợp hơn với thực tế địa phương và thích ứng với chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
VN: Kiểm soát quyền lực trước hội nghị 11
VN: Thế lưỡng nan trong chống tham nhũng của ĐCS
VN níu giữ hay sẽ thay mô hình Xô Viết?
Thiếu cơ chế cần thiết giám sát quyền lực
Chính quyền cấp tỉnh, thành phố có tổ chức bộ máy quản lý như ở trung ương nhưng thu nhỏ. Tổ chức đảng có bí thư, ban thường vụ, một số ban tham mưu. Bộ máy chính quyền có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân với các phòng chức năng…
Để đáp ứng các đòi hỏi từ thực tế quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường quyền lực đã được phân cấp và phân chia nhiều hơn cho các địa phương, đặc biệt cấp tỉnh.
Cơ chế hiện tại kiểm soát quyền lực của đảng đã lạc hậu, giáo điều, lấy tập trung quyền lực để chống lại tha hoá quyền lựcPGS. TS. Phạm Quý Thọ
Về lý thuyết, lãnh đạo chính quyền địa phương phần lớn được sinh ra và trưởng thành từ cơ sở, bởi vậy họ sẽ phản ứng sát thực tế tình hình cụ thể và kịp thời hơn khi áp dụng các chính sách chung cho cả nước của đảng và nhà nước, thậm chí họ có thể thử nghiệm các chính sách đặc thù, kiểu ‘vượt rào’ thời bao cấp, mà trung ương không thể nắm bắt cụ thể được.
Hơn thế, người ta hy vọng khi có được nhiều quyền hơn, các lãnh đạo sẽ có thêm dư địa để tạo môi trường thuận lợi cho việc sinh sống và kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy địa phương phát triển.
Thực tế trái ngược với dự tính, trong tình hình ‘thượng bất chính’, được ‘dung túng’ bởi các đường dây bảo trợ chính trị từ trung ương, các quan chức chính quyền địa phương đã lạm dụng quyền lực để chia chác đất đai, khai thác cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản, tham ô tài sản công…
Các hoạt động này hoặc là công khai nhân danh lợi ích địa phương, hoặc dưới chiêu bài vận dụng trong quá trình chuyển đổi sang thị trường, hoặc ‘lách’ luật pháp vốn đang thiếu, chồng chéo, lạc hậu và đang sửa đổi.
Hậu quả tham nhũng là không tránh khỏi, nghiêm trọng và tràn lan. Ở nhiều tỉnh, thành phố, huyện… sự tha hoá quyền lực của chính quyền địa phương khiến nhiều nơi trở thành ‘lãnh địa riêng’ cho tham nhũng hoành hành.
Tuy nhiên, cơ chế hiện tại kiểm soát quyền lực của đảng đã lạc hậu, giáo điều, lấy tập trung quyền lực để chống lại tha hoá quyền lực. Các hình thức xử lý nội bộ khép kín, dựa trên tinh thần đồng chí nể nang, phê và tự phê bình mang tính hình thức, đề cao ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay kêu gọi nêu gương đạo đức, lối sống… đã tỏ ra không còn thích hợp với các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
Chống tham nhũng ‘mang tính chính trị‘

Việt Nam chống được tham nhũng với thể chế này?
Xử VN Pharma: Viện Kiểm sát và Bộ Y tế bất đồng
Việt Nam ‘thực ra đã có lực lượng đối lập’
Chống tham nhũng mang tính chính trị. Đảng đã thận trọng thực hiện phương châm ‘đánh chuột không làm vỡ bình’. Tuy nhiên, tình hình các cán bộ lãnh đạo địa phương ‘tha hoá’, tham nhũng là đáng báo động khiến Đảng phải kiên quyết ‘ra tay’ để tái tập trung quyền lực. Hơn thế, càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc 13 và đại hội các cấp, thì việc TƯ Đảng rà soát nhân sự và mở rộng chiến dịch chống tham nhũng phần nào thể hiện chủ trương này.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ đầu nhiệm kỳ khoá 12 của Đảng, tháng 1/2016 đến nay, hàng nghìn cán bộ lãnh đạo đảng, trong đó hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật đảng. Trong đó có hai nguyên bí thư thành phố Hồ Chí Minh – ông Đinh La Thăng bị truy tố và nguyên bí thư Đà Nẵng – ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức. Những án kỷ luật được cho là chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng luôn cân nhắc sao cho chiến dịch chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ đảng ở địa phương cũng phải hướng tới mục tiêu tái tập trung quyền lực của đảngPGS. TS. Phạm Quý Thọ
Trong đầu tháng 9/2019 có 4 cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai bị kỷ luật, trong đó có 3 người bị cách chức, gồm cả Trưởng ban nội chính và Giám đốc công an tỉnh.
Cũng trong tháng 9, theo kết luận tại kỳ họp thứ 38, Ban thường vụ tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong nhiều vấn đề kinh tế và công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, nhấn mạnh rằng ông Bí thư Bí thư Tỉnh ủy đã vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật.
Chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh, thành phố có vai trò quan trọng trong quá trình tập trung quyền lực của đảng. Đó không chỉ là nơi triển khai áp dụng, thực nghiệm các chính sách chung vào điều kiện cụ thể, mà còn là nơi có số đại biểu đông đảo tham dự đại hội Đảng toàn quốc, quyết định để bầu ra Ban Chấp hành trung ương và Bộ chính trị – cơ quan quyền lực tập trung cao nhất của Đảng
Người dân bình thường thì chỉ quan tâm đến việc Đảng sẽ xử tất cả các quan tham dù đương chức hay về hưu, dù chức cao hay chức thấp, ở cấp trung ương hay địa phương và họ nghi ngờ những vụ án có sự điều tra kéo dài và không minh bạch, công khai. Tuy nhiên, Đảng luôn cân nhắc sao cho chiến dịch chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ đảng ở địa phương cũng phải hướng tới mục tiêu tái tập trung quyền lực của đảng.
Tái tập trung quyền lực làm ‘xơ cứng bộ máy‘

Tái tập trung quyền lực được củng cố rõ nhất bởi các quyết định của Đảng. Cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12, các quyết định của Đảng như Nghị quyết 244 không cho phép Trung ương (TƯ) đề cử nếu không có sự giới thiệu của Bộ Chính trị, Quyết định 30-QĐ/TW về việc TƯ quyết định hình thức kỷ luật theo quyết định kỷ luật của Bộ Chính trị, các Quy định số 89 và 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, và mới đây nhất là Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền… đang thể hiện quyết tâm của Đảng, đặc biệt tập trung vào công tác cán bộ.
Sau khi có cải cách tổ chức, tinh giản bộ máy của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, nay Đảng Cộng sản chuyển nỗ lực và mở rộng quá trình này đến các địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh, thành phố thông qua việc sử dụng chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra để điều tra và trừng phạt các quan chức địa phương.
Chiến dịch này đã làm giảm nạn tham nhũng, nhưng nó lại chính là một trong những nguyên nhân làm bộ máy hành chính xơ cứng, mà một trong những biểu hiện là tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Chiến dịch này đã làm giảm nạn tham nhũng, nhưng nó lại chính là một trong những nguyên nhân làm bộ máy hành chính xơ cứng, mà một trong những biểu hiện là tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’. Chống tham nhũng làm thay đổi động lực của các lãnh đạo cấp địa phương, khiến họ đang né tránh hoặc trì hoãn triển khai chính sách một cách chủ động vì sợ bị kỷ luật đảng, thậm chí bị khai trừ khỏi đảng, bị cách chức hoặc hậu quả pháp lý.
Nếu quan điểm của Đảng Cộng sản cho rằng việc duy trì chế độ chuyên chế phụ thuộc nhiều vào sự kiểm soát tập trung hơn là vào quyền tự chủ và việc thực thi chính sách ở cấp địa phương, thì hậu quả sẽ làm triệt tiêu cơ chế phản hồi kịp thời và đúng đắn từ các cấp thấp hơn trong chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Các chính sách áp đặt từ trung ương dựa vào cơ chế kiểm soát hành chính để buộc các cán bộ lãnh đạo địa phương ‘tuân thủ trung ương và tuyệt đối trung thành với đảng’ là tốn kém và ít hiệu quả. Ngoài ra, nó sẽ hạn chế động cơ và cơ hội của các quan chức địa phương mạnh dạn và sáng tạo áp dụng các chính sách chung vào điều kiện cụ thể, điều vốn mang đến sự thay đổi chính sách từ dưới lên để tạo ra sự thích nghi với sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Tái tập trung quyền lực ở các tỉnh, thành phố đang gây nên sự thiếu kết nối giữa các nhà lãnh đạo địa phương và trung ương, căn bệnh ‘xơ cứng’ đã từng là tai họa đối với mô hình thể chế Xô Viết trước kia. Việc ngăn chặn căn bệnh này sẽ đòi hỏi trước hết có sự thay đổi đáng kể trong quan điểm cải cách của Đảng, mà trước hết cần đặt cải cách thể chế kinh tế gắn với cải cách thể chế chính trị.
Trong đó, một mặt, cần thiết phải giảm thiểu ‘mức độ và cường độ’ đảng trị bằng cách tăng cường quá trình xây dựng nhà nước pháp trị dựa trên nền tảng quyền con người và quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013. Mặt khác cần tạo ra các nguyên tắc thị trường sao cho có thể vận hành dễ dàng để người dân và doanh nghiệp hoạt động thuận lợi mà không cần phải xin phép các lãnh đạo đảng, chính quyền.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.