3660. Từ vụ AIC: “Đốt lò” và trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội

Đôi lời: Báo chí mấy ngày nay ào ạt đăng bài về vụ bà Nhàn AIC với ba quan chức Đồng Nai, cùng nhiều tiết lộ, thắc mắc về những màn hối lộ trắng trợn, rồi đấu thầu kiểu cánh hẩu, “chạy” ngân sách trung ương, và “quyền lực ngầm”, …

Ai từng biết về hoạt động của tổ chức Đảng những năm thời bao cấp chắc cũng còn nhớ một hiện tượng liên quan tài sản cá nhân đảng viên. Đó là nếu trong một chi bộ, đảng viên nào đó có lối sống xa hoa hơn người, có tài sản khác thường, là y như rằng bị hạch hỏi, không thì cũng bị ngấm ngầm đưa vào diện “sổ đen” của Đảng, khó mà thăng tiến.

Ngày nay thì “Đổi mới” rồi, không hề có chuyện đó. Thế nhưng, để phòng chống tham nhũng, Đảng lại thừa khả năng hiện thực hóa nó vào các văn bản quy định của mình; để chẳng cần đợi tới chính quyền phải vận dụng pháp luật, cán bộ có thu nhập bất minh là hết đường thăng tiến. Vậy mà không thấy thực hiện. Rõ ngay là có thực tâm “đốt lò” hay không.

Còn bài viết trên báo Tuổi trẻ dưới đây thì đề cập tới trách nhiệm của Quốc hội trong vấn đề tài sản cán bộ đảng viên. Manh nha một bộ luật ít nhiều tỏ ra thực sự “phòng, chống tham nhũng”, với quy định vô cùng quan trọng “về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc”, thế nhưng nó đã bị “chặn” ngay từ … Ủy ban Thường vụ Quốc hội – một thứ tập hợp quyền lực như cái bóng của Bộ chính trị. Rõ ngay là có thực tâm “đốt lò” hay không.

Ba Sàm


Đường đi của tiền bẩn

Tuổi trẻ

16/11/2022

TTO – Các ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã nhận hối lộ từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng đang bị truy nã) số tiền rất lớn bằng cách thức hết sức đơn giản.

Theo kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, các ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã nhận hối lộ từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng đang bị truy nã) số tiền rất lớn bằng cách thức hết sức đơn giản.

Theo đó, ông Thành và ông Thái mỗi người nhận 14,5 tỉ đồng, nhiều lần tiền được trao ngay tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ông Thành đưa số tiền lớn đó cho vợ gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản và chi tiêu cá nhân. Ông Thái thì sử dụng để đóng học phí cho hai con gái du học tại Mỹ, chi tiêu cá nhân.

Vậy chúng ta thấy gì khi đường đi của dòng tiền bẩn này được tái hiện?

Thứ nhất, chúng ta vẫn đang sống trong một “xã hội tiền mặt”, mọi người đều có thể dễ dàng giao dịch, trao tay số tiền rất lớn mà gần như không bị kiểm soát. Có rất ít nơi trên thế giới mà cả đồng nội tệ và ngoại tệ lại có thể dễ dàng giao dịch trao tay với số lượng không giới hạn như ở Việt Nam. Không kiểm soát được dòng tiền luân chuyển trong xã hội thì không chỉ khó khăn trong phòng chống tham nhũng mà còn rất khó kiểm soát các hoạt động kinh tế và tội phạm mờ ám khác.

Thứ hai, chúng ta vẫn chưa có quy định đủ mạnh về trách nhiệm giải trình tài sản, đặc biệt là vẫn chưa có quy định để xử lý “tài sản bất minh” trừ khi tài sản đó bị điều tra, xét xử khẳng định là do phạm tội mà có.

Tháng 11-2018, khi thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định không đưa quy định “về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc” vào luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi ấy giải trình rằng “đây là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này” và “việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp”.

Nhưng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, điều này không còn là vấn đề mới và phức tạp. Một số nước đã trao quyền cho tòa án tịch thu, sung công khi người có tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản mà họ nắm giữ, trong khi nhiều nước khác lựa chọn cách thức đánh thuế rất nặng đối với các tài sản dạng này. 

Nếu chúng ta có các quy định như vậy thì tài sản, số tiền lớn mà ông Thành, ông Thái và gia đình đem đi giao dịch, cũng như khối tài sản kếch xù của bà Nhàn đều thuộc đối tượng bị kiểm soát và xử lý ngay cả khi vụ án chưa bị điều tra.

Thứ ba là đấu thầu. Vụ án này xảy ra khoảng mười năm trước, các bị can đã nhận hối lộ để “tạo điều kiện cho AIC trúng thầu”. Khi ấy, dư luận đề cập nhiều đến tình trạng thông thầu, quân xanh quân đỏ, chỉ định thầu tràn lan… 

Từ đó đến nay, pháp luật về đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung, nhiều kẽ hở đã được bịt lại. Nhưng thực tế lại cho thấy một vấn đề khác cần giải quyết, hôm qua có đại biểu lên tiếng tại nghị trường về dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi): “Có quốc gia nào đấu thầu khốn khổ như chúng ta không?”. 

Vâng, bài toán đặt ra cho các nhà lập pháp là soạn được đạo luật vừa chặt chẽ, chống được tiêu cực mà lại không trói buộc, gây khó khăn cho người thực hiện. Thủ tục đấu thầu nếu trói buộc, gây lãng phí thời gian, cơ hội, làm trì trệ lĩnh vực nào đó thì hệ lụy gây ra đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng.

Lê Kiên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *