
The Singapore Post by News Desk – October 19, 2022
Ba Sàm lược dịch
Vụ bắt giữ Trương Mỹ Lan, 66 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (một tập đoàn đầu tư đa ngành của Việt Nam), do Bộ Công an thực hiện tại TP HCM, một lần nữa đã làm nổi bật các mối liên hệ giữa Trung Quốc với các ông trùm kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Lan thành lập Công ty Vạn Thịnh Phát vào năm 1992, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và khách sạn, sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu những lô đất, tòa nhà ở những vị trí đắc địa được mệnh danh là ‘đất vàng’ tại TP.HCM, gồm Thuận Kiên Plaza; các lô đất ở khu vực Times Square và một số tòa nhà dọc trục đường Nguyễn Huệ.
Lan, một nữ doanh nhân, là một người Việt gốc Hoa. Bà là người phụ nữ giàu nhất nhì Việt Nam. Chồng bà là một người Hoa gốc Quảng Đông tên là Chu Nap Kee và kinh doanh bất động sản. Ông được cho là một thành viên trong gia đình có họ xa với cựu trùm an ninh Trung Quốc bị thất sủng Chu Vĩnh Khang và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cấp cao của đảng ở Trung Quốc.
Cái chết bất thường của ba giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong vài ngày đầu tháng 10 năm 2022 cũng làm dấy lên những suy đoán về sự liên quan của Trung Quốc trong vụ án. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt 50 tuổi qua đời do đột quỵ tim vào ngày 6/10, sau đó là vụ tự sát của một trong những trợ lý của Lan, hai ngày sau khi bị bắt. Ngày 11/10, Lưu Quốc Thắng, Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB, do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ, đã chết một cách bí ẩn.
Theo Bộ Công an, Lan và hai đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành và kinh doanh trái phiếu, nhằm chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng Việt Nam của các nhà đầu tư, trong giai đoạn 2018-2019. Việc bắt giữ Lan đã gây ra những xao động trên thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế của đất nước trong quý IV năm nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Do nhạy cảm với sự can dự của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã cấm các hãng truyền thông đăng tải câu chuyện này và cho rằng những cái chết là do nguyên nhân tự nhiên.
Một thực tế được biết ở Việt Nam là có một mạng lưới gián điệp Trung Quốc mạnh mẽ và hầu như tất cả các cơ sở quan trọng đều bị xâm nhập bởi những điệp viên này, những người không sợ thực hiện các hành động quá khích như đầu độc đối thủ. Trong trường hợp này, giả thiết chung là ba người đã bị gián điệp Trung Quốc loại bỏ để cứu Lan, vì họ có bằng chứng về tất cả những hành vi sai trái của bà.
Người ta cũng đồn rằng cái chết của cựu Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cũng có liên quan đến người Trung Quốc. Quang đã qua đời vào năm 2018 khi đang giữ chức vụ Chủ tịch nước. Rõ ràng ông ta đã được Lan đưa một tỷ USD để mua chuộc, nhưng ông không thu hút thêm được sự quan tâm của Trung Quốc. Theo các bác sĩ cấp cao xử lý trường hợp của ông ta, không có cuộc điều tra nào có thể chỉ ra ông đang mắc bệnh gì và có vẻ như đó là một trường hợp ngộ độc.
Có một số lượng lớn người Việt gốc Hoa ở TP HCM và hầu hết trong số họ có mối quan hệ ở Trung Quốc đại lục. Nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa và chiến lược ở TP HCM được các doanh nhân người Việt gốc Hoa này mua lại và có lẽ là theo lệnh của chủ nhân ở Trung Quốc. Giống như ở TP HCM, người Trung Quốc cũng đã mua lại bất động sản tại các vị trí chiến lược ở các vùng khác của Việt Nam, bao gồm thành phố biển Đà Nẵng, nơi có lối mở ra Biển Đông chiến lược.
Với mục tiêu ngăn chặn việc mua đất tại các vị trí chiến lược của người Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã thông qua nghị quyết không cho người nước ngoài mua đất ven biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã lách điều khoản này bằng cách kết hôn với một người Việt Nam địa phương hoặc tài trợ cho một người Việt Nam mua đất ven biển. Tương tự, các doanh nhân Trung Quốc cũng đã mua nhiều bất động sản lớn ở đảo Vân Đồn có vị trí chiến lược trong Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông. Vài năm trước, đã có một cuộc biểu tình của người dân Việt Nam phản đối một SEZ (đặc khu kinh tế) do Trung Quốc đề xuất tại hòn đảo này. Do những phản đối, đề xuất này đã bị bãi bỏ và thay vào đó, người Trung Quốc đã chọn mua đất ở hòn đảo.
Bắc Kinh được biết đến với việc sử dụng các nhà lãnh đạo / doanh nhân tham nhũng của các quốc gia yếu kém về kinh tế để xâm nhập vào các quốc gia đó. Điều này cho phép Nhà nước Trung Quốc không chỉ tăng cường lợi ích kinh doanh của mình ở các quốc gia, mà còn lén lút thâm nhập vào chính thể của quốc gia sở tại, với mục tiêu đảm bảo ảnh hưởng lâu dài của họ.