THE CONVERSATION May 15, 2021

Ba Sàm lược dịch
Tham nhũng là một tội phạm làm chậm tăng trưởng kinh tế, phá hoại sự phát triển và gây ra bất bình đẳng. Với chi phí cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 2,6 nghìn tỷ đô la Mỹ (1,8 nghìn tỷ bảng Anh) mỗi năm, nó thường liên quan đến chính trị và trục lợi của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, Hồ sơ Panama (*) đã cho thấy tầm hoạt động rộng lớn và mạnh mẽ của ngành công nghiệp bí mật tài chính.
Nhưng một lượng lớn tham nhũng ở các nước đang phát triển hoạt động thông qua “tiền bôi trơn” – các khoản thanh toán bằng tiền mặt không chính thức cho các quan chức chính quyền địa phương. Điều này liên quan đến việc mọi người thường xuyên chuyển giao các khoản thanh toán để tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ công cộng hàng ngày như điện, giấy phép lái xe và chăm sóc y tế.
Bên cạnh những tác động về mặt tài chính, cái giá phải trả thường xuyên của loại tham nhũng này là tác động tâm lý có hại của nó. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ cách mà nạn tham nhũng hàng ngày gây hại cho sức khỏe tâm thần ở các nước đang phát triển.
Thiệt hại có thể có nhiều dạng. Ví dụ, quy mô và tần suất hối lộ gây ra chi phí tài chính và tạo ra sự lo lắng, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo hơn, những người bị ảnh hưởng không tương xứng và dễ bị tổn thương hơn.
Tham nhũng cũng dẫn đến việc phân bổ sai lệch các dịch vụ công quan trọng, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những thứ dịch vụ này rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng thường chỉ có sẵn dễ dàng cho những người có khả năng và sẵn sàng chi trả. Hơn nữa, việc tiền trả hối lộ cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu (mà một người được hưởng hợp pháp) dẫn đến cảm giác bất lực và bị tước quyền sở hữu.
Người ta ước tính rằng khoảng 10% dân số thế giới bị rối loạn sức khỏe tâm thần – với những người nghèo nhất bị phơi nhiễm đặc biệt. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có thu nhập thấp hơn có nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng hơn những người có thu nhập cao hơn.
Một trạng thái trầm cảm
Việt Nam, trọng tâm nghiên cứu của chúng tôi, được xếp hạng thấp 104 trong số 180 quốc gia về tính minh bạch của khu vực công. Các cuộc khảo sát khẳng định rằng tham nhũng vẫn là một thứ chi phí quá phổ biến đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Đối với nghiên cứu của mình, chúng tôi đã thực hiện hai cuộc khảo sát lớn ở nông thôn Việt Nam, trong đó sức khỏe tâm thần được đánh giá bằng thang điểm của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Trầm cảm. Công cụ sàng lọc được công nhận rộng rãi này, dùng để đo các triệu chứng trầm cảm, bằng cách hỏi các đối tượng về tần suất họ cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng, thiếu tập trung và ngủ kém. Sau đó, chúng tôi so sánh những kết quả này với các thước đo về tham nhũng.
Trong cuộc khảo sát đầu tiên, các thước đo tham nhũng dựa trên mức độ tiếp xúc của người dân hàng ngày với tham nhũng trong khu vực công (hối lộ để có giấy phép xây dựng, xin việc làm trong chính phủ hoặc thậm chí để được điều trị y tế). Trong phần thứ hai, các hộ gia đình được hỏi rằng tham nhũng có ảnh hưởng lớn như thế nào đến các tổ chức kinh doanh trong nước của họ.
Chúng tôi đã phát hiện bằng chứng rõ ràng và thuyết phục, rằng việc tiếp xúc với tham nhũng vặt hàng ngày có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần. Vì phụ nữ có xu hướng là người coi sóc chính trong gia đình nên họ thường là người tìm kiếm các dịch vụ thiết yếu liên quan. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng sự phụ thuộc của phụ nữ vào các dịch vụ công ở những khu vực có nhiều tham nhũng có tác động lớn hơn đến sức khỏe tâm thần của họ so với nam giới.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc tiếp xúc với tham nhũng làm giảm lòng tin vào các cộng đồng và các đoàn thể địa phương, đồng thời dẫn đến giảm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Ngăn chặn tham nhũng
Năm 2016, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng lớn. Từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 8 năm 2018, khoảng 56 quan chức chính phủ được cho là đã bị kỷ luật vì tham nhũng và một số người khác bị truy tố.

Một số nhà quan sát cho rằng chiến dịch này đã làm giảm mức độ tham nhũng. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy hành động chống tham nhũng đã cải thiện mức độ sức khỏe tâm thần ở những khu vực mà nó đã được giải quyết thành công.
Tuy nhiên, gần đây hơn, chắc chắn đại dịch đã tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển mạnh mẽ, với nhu cầu về các dịch vụ và hàng hóa thiết yếu có thể vượt xa cung. Đã có báo cáo về tham nhũng liên quan đến COVID-19 trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và viện trợ nhân đạo. Căn bệnh này đã ảnh hưởng đến bình đẳng và tính biến động của xã hội mang tính dài lâu, tiếp tục tước bỏ quyền lợi của các nhóm người nghèo và bị thiệt thòi.
Để cho mọi quá trình phục hồi sau đại dịch trở nên toàn diện, cần phải có cam kết chống tham nhũng và tăng cường tính minh bạch trong cơ cấu quản trị. Đối với những người nghèo nhất thế giới, mỗi ngày là một cuộc khủng hoảng khẩn cấp về đảm bảo tiền bạc, thực phẩm và an toàn. Đó là một cuộc đấu tranh liên tục và tốn nhiều công sức, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của họ – và trở nên tồi tệ hơn bởi tình trạng tham nhũng vốn đã tồn tại từ lâu.
—
(*) Tài liệu Panama (Wikipedia); + Hơn 200 đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise về rửa tiền, trốn thuế; + ‘Hồ sơ Panama’ tại Việt Nam: Yên ắng sau 1 năm.
Liên quan: