3346. Biden phải thúc đẩy dân chủ trong các quốc gia châu Á – bao gồm Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN, kỷ niệm 45 năm quan hệ Hoa Kỳ – ASEAN, tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 13 tháng 5 năm 2022.

THE HILL BY LIANCHAO HAN AND BRADLEY A. THAYER, OPINION CONTRIBUTORS – 05/22/22

Ba Sàm lược dịch

Chúng ta tán dương Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN vừa được tổ chức tại Washington và tin rằng đây là một thành tựu của chính quyền Biden, nó có thể mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa nước ta và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, như là một phần trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhằm chống lại hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

Chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm một loạt các chủ đề, ví như hành động vì khí hậu, phát triển bền vững, thịnh vượng chung, hợp tác hàng hải, y tế và giáo dục.

Tuy nhiên, nó đã bỏ qua vấn đề dân chủ.

Trong cuộc gặp bên lề giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, lại lấy những điều trong chương trình nghị sự nói trên để làm cho người ta tin chắc rằng nó sẽ đem đến dân chủ. Bởi trong đó họ khẳng định hai nước là đối tác mạnh mẽ với “tầm nhìn chung về an ninh trong khu vực” và “vì mối quan hệ kinh tế bền chặt nhất có thể. ” “Hoa Kỳ rất ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng,” Blinken nói.

Chúng ta bị chưng hửng trước những nhận xét trên của Blinken.

Cho dù Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã vượt xa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về mặt cải cách chính trị, song về bản chất, nó vẫn là một chế độ độc đảng, độc tài cộng sản. Cho dù một nước Việt Nam không dân chủ có trở nên mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng đến đâu thì nó cũng sẽ không thành tâm trong việc duy trì hòa bình và có thể phản bội Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN khác.

Các cuộc cãi vã của Việt Nam với đồng minh cũ là Trung Quốc chỉ là về lãnh thổ, không phải về ý thức hệ.

Chúng ta có thể thấy trước một tương lai khi mà Bắc Kinh đáp ứng các yêu sách lãnh thổ của Hà Nội, ngay cả trên Biển Đông. Trong trường hợp đó, Việt Nam có thể đổi phe ngay sau khi các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, khiến chế độ này trở thành một cộng sự không đáng tin cậy của Hoa Kỳ.

Với những kinh nghiệm không mấy tốt đẹp với Việt Nam và Trung Quốc, Hoa Kỳ có rất nhiều bài học lịch sử mà từ đó họ có thể học hỏi.

Ví dụ, để chống lại sự bành trướng toàn cầu của Liên Xô, Tổng thống Richard Nixon đã mở cửa cho Trung Quốc với hy vọng kết thúc Chiến tranh Việt Nam và chống lại sự bành trướng của Liên Xô. Mỹ đã xoay chuyển quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc với hy vọng rằng sự thịnh vượng sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có nhu cầu thay đổi chính trị.

Thật đáng tiếc, và thật thảm hại cho lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, điều đó được chứng minh là ảo tưởng. Washington đã đem đến kết cục là tạo ra một đối thủ đáng gờm và trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, đến các đồng minh của Hoa Kỳ và trật tự thế giới hiện hữu.

Chắc chắn, có những mãnh lực hướng tâm trong mối quan hệ Trung-Việt, bao gồm di sản của cuộc chiến tranh năm 1979, các cuộc đụng độ biên giới trong phần lớn những năm 1980, cuộc đụng độ năm 1988 ở Biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ khác và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Khmer Đỏ sau cuộc xâm lược Campuchia / Kampuchea của Việt Nam. Nhưng giữa họ cũng có một mối quan hệ ý thức hệ.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia độc đảng. Trên thực tế, ĐCSTQ đã đào tạo nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSVN, kích động và ủng hộ cuộc xâm lược miền Nam Việt Nam của ĐCSVN.

ĐCSVN cũng tàn bạo, nhẫn tâm và vô nhân đạo như ĐCSTQ. Nó có một lịch sử khủng bố và đàn áp người dân của mình, tiếp tục từ chối các quyền chính trị và dân sự của họ. Có thông tin cho rằng chế độ ĐCSVN ngày nay đã bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động và tù nhân chính trị, nhiều người trong số họ đã phải nhận những bản án bất công và khắc nghiệt. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã xác nhận rằng chính phủ Việt Nam hạn chế một cách có hệ thống quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền.

Trong thời điểm có những biến động địa chính trị do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây nên, và nỗ lực của nước này nhằm định hình trật tự quốc tế hướng tới các niềm tin, hệ giá trị và hệ tư tưởng độc tài toàn trị có ý nghĩa rất lớn. Những nhà hoạt động đó là những thành phần thiết yếu trong cuộc đấu tranh của phương Tây chống lại Trung Quốc và sẽ giúp xác định liệu Mỹ có duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu hay là nhường vị trí đó cho tầm nhìn toàn trị của Trung Quốc về chính trị thế giới.

Nếu Hoa Kỳ muốn xây dựng quan hệ đối tác lâu dài vì hòa bình với các nước Đông Nam Á, thì các giá trị chung và tôn trọng nhân quyền là thứ cơ bản. Để quan hệ đối tác Hoa Kỳ-ASEAN có thể giải quyết một cách có hiệu quả mối đe dọa từ Trung Quốc, tất cả các quỹ đạo của các đối tác trong khối này phải được hội tụ. Thách thức đó không phải là một vấn đề văn hóa mà đúng hơn là một thách thức của những giá trị và hệ tư tưởng trái ngược nhau.

Thật không may, ở Việt Nam, một số giới tinh hoa cầm quyền lại từ chối nền dân chủ hợp hiến và các giá trị phổ quát, nhằm nắm giữ quyền lực của họ. Một hệ quả là nó gây khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy an ninh và phát triển kinh tế ở đó, mà không thúc đẩy tự do, dân chủ, phẩm giá con người và các giá trị phổ quát được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.

Nếu Hoa Kỳ chỉ tập trung xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, độc lập và thịnh vượng, thì nó có nguy cơ tạo ra một Trung Quốc khác. Và nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một lực lượng lớn trong khu vực có thể gây thù địch với Hoa Kỳ và lợi ích của ASEAN.

Một Việt Nam cộng sản không tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người, không muốn chia sẻ quyền lực với người dân, là mối nguy hiểm cho sự ổn định trong khu vực – và cho năng lực của Mỹ trong việc xây dựng một mạng lưới các quốc gia đoàn kết, mạnh mẽ có thể cùng Washington chống lại Bắc Kinh.

Giữa lúc Hoa Kỳ được thử nghiệm trong cuộc cạnh tranh an ninh Trung-Mỹ, nó cần các đồng minh có chung tầm nhìn với mình. Nó cần một mối quan hệ đối tác vững chắc có thể được duy trì khi đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc. Để đối phó với những nguy cơ do Bắc Kinh gây ra, quan hệ đối tác Hoa Kỳ – ASEAN phải dựa trên các giá trị tương đồng.

Do đó, sẽ là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ trong việc nhận ra rằng các giá trị kiểu cộng sản và hệ tư tưởng cộng sản là thứ được xác định rõ của ĐCSVN.

Điều đó khiến Việt Nam trở thành một đối tác không đáng tin cậy đối với Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của nó ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mỹ phải thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam – và củng cố dân chủ ở các nước ASEAN khác – để tạo ra một liên minh mạnh nhất có thể nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc và tránh khỏi những sai lầm chiến lược trong quá khứ.

Lianchao Han là phó chủ tịch Tổ chức Sáng kiến ​​Quyền lực Công dân cho Trung Quốc. Sau Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông là một trong những người sáng lập tổ chức  Independent Federation of Chinese Students and Scholars. Ông đã làm việc 12 năm trong Thượng viện Mỹ, làm cố vấn lập pháp và giám đốc chính sách cho ba thượng nghị sĩ.  

Bradley A. Thayer là đồng tác giả cuốn sách How China Sees the World: Han-Centrism and the Balance of Power in International Politics” (“Cách Trung Quốc nhìn thế giới: Trung tâm Hán hóa và Cán cân quyền lực trong Chính trị Quốc tế”).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *