BBC
- 3 giờ trước

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam cho đến nay chủ yếu được nói đến trên mạng xã hội, báo chí chứ chưa ra tới tòa án.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 02/10/2019 đã đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Hà Nội, TP HCM có giải pháp “căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, không để cho người dân bức xúc”.
Đây có vẻ là cách tiếp cận vấn đề “phần ngọn”, còn các chính sách nào của chính phủ Việt Nam về giao thông, về phát triển nhà máy, về xử lý rác… là tác nhân lâu dài của ô nhiễm không khí thì không thấy ông Phúc nói đến.
Ngoài ra, có vẻ như cơ chế pháp lý tại nước này chưa tính đến việc chính quyền bị kiện vì ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí cứ để dân tự lo?
AirVisual ‘bị đánh’ đúng tuần Hà Nội ô nhiễm không khí nặng
Ô nhiễm không khí Hà Nội: Ứng phó và xử lý thế nào?
Sau đây là một số vụ kiện liên quan đến ô nhiễm không khí trên thế giới:
Indonesia

Hồi tháng 7/2019, sau khi chỉ số AirVisual tháng 6 cho Jakarta liên tục đạt trên 200, một nhóm 30 công dân Indonesia đã kiện chính quyền.
Tập hợp các công chức nhà nước, doanh nhân, nghệ sỹ, nhà hoạt động môi trường, nhóm này đã kiện tổng thống Indonesia, bộ trưởng y tế, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng môi trường.
Thống đốc Jakarta và thống đốc Banten và Tây Java cũng bị kiện.
Ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khoẻ chứng tỏ các chính sách của chính quyền là không hiệu quảBà Eza Tiara, luật sư
Luật sư Ayu Eza Tiara từ Viện Luật pháp Jakarta, đại diện cho nguyên đơn, nói với báo chí rằng, ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khoẻ chứng tỏ “các chính sách của chính quyền là không hiệu quả”.
Bà cũng nói vụ kiện có tác dụng tạo tiếng vang, nâng cao ý thức cộng đồng, trong giới quan chức về ô nhiễm không khí, và thúc đẩy chính quyền có biện pháp cụ thể hơn.
Anh Quốc
Ở Anh, tổ chức từ thiện ClientEarth đã thắng chính phủ trong ba vụ kiện liên tiếp về ô nhiễm không khí.
Gần đây nhất, ClientEarth gửi lời cảnh báo đến 38 hội đồng địa phương ở Anh và Wales, đe dọa kiện họ nếu không công bố kế hoạch giải quyết nạn ô nhiễm khí thở.
Hà Nội ‘gần nhất Đông Nam Á’ về ô nhiễm không khí
Không khí đô thị gây hại sức khỏe và chất lượng sống
Trung Quốc, Việt Nam và ô nhiễm không khí

Căn cứ pháp lý của các vụ kiện này là một luật đã thông qua ở Anh buộc các tỉnh, thành phố phải ra kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện chất lượng không khí cho dân cư trong địa phương mình.
Trên thực tế, Anh Quốc đã ra nhiều luật về Không khí Sạch mà mới nhất là Clean Air Act 2019.
Luật này đặt ra mục tiêu giảm đi 50% mức ô nhiễm PM2.5 theo ngưỡng của WHO là 10 μg/m3 vào năm 2025.
ClientEarth sẽ kiện các đô thị ở Anh và Wales nếu họ không kịp công bố văn bản về kế hoạch thực hiện mục tiêu trên như đã hứa.
Một số hộ̣i đồng địa phương đã không kịp làm gì dù luật được thông qua bởi Quốc hội Anh vào tháng 1/2019.
Canada
Năm 2018, Hội Bác sỹ vì Môi trường Canada (Canadian Association of Physicians for the Environment) cũng đe dọa kiện chính phủ ở Ottawa vì đã không điều tra kỹ tác động của xe hơn Volkswagen với ô nhiễm không khí.
Bà Kim Perrotta, giám đốc của tổ chức nêu trên cho hay bà muốn chính phủ Canada phải phạt tiền Volkswagen và dùng tiền đó vào công tác cải thiện không khí.
Công ty Volkswagen bị cho là đã thay đổi chỉ số của khí thải từ động cơ diesel của họ, dẫn tới cuộc điều tra ba năm, 2015-2018, bắt đầu từ Hoa Kỳ.

Nhưng dù Volkswagen đã bị phạt 4,3 tỷ USD năm 2017, và Audi bị phạt 800 triệu USD năm 2018, do vi phạm Luật Khí sạch của Đức, giới vận động Canada muốn chính phủ của họ phải làm mạnh hơn.
Cộng hòa Nam Phi
Giữa năm 2019, tòa thượng thẩm Pretoria đã nhận đơn kiện chính phủ của một nhóm bảo vệ môi trường.
Bên nguyên đơn cho rằng chính quyền Nam Phi đã vi phạm quyền trong Hiến pháp về môi trường sống lành mạnh cho công dân.
Họ cho rằng con số tử vong vì bệnh phổi và các bệnh đường hô hấp trong vùng đông dân Highveld tăng lên những năm qua.
Sự thất bại trong chính sách điều phố năng lượng, giảm nguồn nhiệt điện từ than đá (12 lò đốt chỉ trong một vùng) là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí cao ở khu vực nói trên, theo bên nguyên đơn.
Họ cũng muốn buộc bộ trưởng môi trường Nam Phi phải cập nhật luật về bảo vệ môi trường có từ 2012.
Phong trào toàn cầu
Từ những năm qua, ý thức về môi trường đã biến thành một ý thức hệ mới, đặt câu hỏi về các mô thức kinh tế, cách điều hành xã hội, văn hóa ẩm thực, nuôi tròng của mọi quốc gia.
Cùng lúc, một phong trào vì Trái Đất, gồm bầu khí quyển và khí thở của con người và các loài, đang dâng cao, và có lúc va chạm gay gắt với giới doanh nghiệp và chính quyền.
Việc tìm kiếm các giải pháp đồng bộ, lâu dài cho những thách thức môi trường, không chỉ tập trung vào mảng công nghệ, đang là thách thức cho mọi chính phủ, gồm cả chính phủ Việt Nam.
