3677. Cái chết đột ngột do ‘tai nạn’ của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và những cách đưa tin

Ba Sàm

Ba cách  

Vậy là phải đến 23h đêm qua, 21/11/2022, một số báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, VietnamNet, … mới chính thức đưa thông tin về cái chết rất bất ngờ, chắc chắn sẽ gây xôn xao dư luận, của ông Nguyễn Văn Hùng, đương kim Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN. Thông tin dựa vào nguồn ‘tin buồn’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và gia đình nạn nhân, cho biết ông mất ‘do tai nạn’ và ‘đột ngột từ trần vào hồi 12h31 ngày 21/11/2022’.

Trước đó, vài giờ đồng hồ, nhiều báo đã đưa tin về vụ việc, dựa vào thông tin từ địa phương nơi nạn nhân công tác trước khi giữ cương vị ở trung ương, hoặc không nêu rõ nguồn. Lý do cái chết cũng đều là ‘không may bị tai nạn và không qua khỏi’.

Trước các báo một chút, một kênh Youtube cá nhân cũng đã đưa tin, chi tiết hơn các báo, đặc biệt nêu lý do khác hẳn, là ‘nhảy lầu’ ‘tại trụ sở’. Thậm chí, sau đó vài tiếng, kênh này còn có thêm những chi tiết và khẳng định chắc nịch rằng lý do ‘nhảy lầu’ là nạn nhân đã ‘nhúng chàm’ trong dự án của Trịnh Văn Quyết, chủ tập đoàn FLC, hiện đang bị tạm giam.

Không ổn

Trong tình hình có nhiều vụ việc hết sức bất thường và rất đáng lo ngại về nhiều cái chết liên quan các vụ án lớn về tham nhũng, chỉ trong một thời gian ngắn, thì cái chết của một quan chức cao cấp của đảng, đương chức tại một cơ quan số một về chống tham nhũng, tất nhiên sẽ gây tác động lớn tới dư luận.

Cách đưa tin về những cái chết trước rõ ràng là đều không ổn – tin đưa chậm hơn mạng xã hội và lời đồn ngoài xã hội; tin quá sơ sài; tất cả đều không đề cập tới khả năng có án mạng, tự sát, không có điều tra, khởi tố của cơ quan pháp luật, hoặc chấn chỉnh trong khâu đảm bảo an toàn cho các nguồn tin, nhân chứng của vụ án, v.v..

Nay thì một vụ việc mới, có thể thu hút dư luận hơn nữa, nhưng cho thấy những cách đưa tin nói trên đều không ổn.

Cách đưa tin thứ nhất. Báo chí mà lại sắm vai như một tờ yết thị của chính quyền, có từ thời sơ khai báo chí chưa ra đời, chẳng phải bàn gì nữa.

Cách đưa tin thứ hai. Tuy là có nhanh nhạy kịp thời một chút, nhưng lại hầu như không cho thấy nghiệp vụ sơ đẳng của báo chí, khi không trả lời được những câu hỏi quan trọng, tối thiểu cho một vụ việc. Ví như: nạn nhân bị ‘tai nạn’ là tai nạn gì, xảy ra ở đâu, lúc nào, những ai chứng kiến, có được cấp cứu hay không, có báo cho cơ quan công an không, v.v..

Cách đưa tin thứ ba. Đây hoàn hoàn là của tư nhân, không bị ràng buộc bởi quy định của nhà nước cho báo chí. Tin nhanh nhạy, dám đi vào những tình tiết ‘nhạy cảm’. Tuy nhiên, một ‘không ổn’ lớn nhất cho hai video nói trên là những khẳng định quá dễ dãi, đến độ rất dễ bị đặt dấu hỏi lớn.

Ví như khẳng định ngay nguyên nhân cái chết là do nạn nhân có ‘nhúng chàm’. Điều này gây nguy hiểm cho người bình luận (có vẻ đang ở trong nước), nhưng ngược lại, có thể bị ngờ đây là một lối ‘định hướng dư luận’ trước khả năng sẽ có những nghi vấn theo hướng rất khác, không có lợi cho chính quyền hoặc một lực lượng nào đó.

Ngay cả vụ thứ trưởng Lê Hải An ‘té lầu’ chết cách đây mấy năm cũng vậy, người bình luận trên kênh này cho nguyên nhân là chuyện tình ái. Về pháp lý, đạo lý và cả chính trị đều rất không ổn cho khẳng định đó. Người bình luận có chê trách một số ‘thuyết âm mưu’, mà hình như không nhận ra chính mình cũng đang đưa ra một ‘thuyết âm mưu’ khác.

Rõ ràng, về phía nhà nước cũng như người dân, chúng ta đều vẫn đang phải tập dượt, dù đã là muộn, cho việc đưa tin và tiếp nhận thông tin, nhất là trong những vụ việc quan trọng, ‘nhạy cảm’.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *