- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
26 tháng 7 2022

Hôm 25/7, Bộ Công an Việt Nam cho biết, đã có thêm 6 người bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, trong danh sách này có cựu lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an và cán bộ cấp cao của Văn phòng Chính phủ và Bộ giao thông Vận tải và Bộ Y tế.
Bốn người bị khởi tố tội ‘nhận hối lộ’ gồm:
- Trần Văn Dự (61 tuổi), nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an
- Vũ Sỹ Cường (36 tuổi), nguyên Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an
- Nguyễn Mai Anh (46 tuổi) chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ
- Ngô Quang Tuấn (38 tuổi), chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT
Hai người còn lại là ông Bùi Huy Hoàng – cán bộ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bị điều tra về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’; ông Nguyễn Tiến Mạnh – phó giám đốc Công ty cổ phần du lịch thương mại Lữ Hành Việt, giám đốc Công ty vận tải du lịch Hoàng Long Luxury bị điều tra về tội ‘đưa hối lộ’.
Vụ án này được Cơ quan an ninh điều tra Việt Nam khởi tố từ cuối tháng 1/2022.
Thời điểm nói trên, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam nhiều quan chức các bộ ngành liên quan để điều tra hành vi ‘nhận hối lộ’, bao gồm:
- Ông Tô Anh Dũng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao
- Bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
- Lê Tuấn Anh – chánh văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
- Lưu Tuấn Dũng – phó phòng bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
- Đỗ Hoàng Tùng – phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng Sáu, lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Tham nhũng, hối lộ còn có thể ở khâu nào?
Vụ án chuyến bay giải cứu với Cục trưởng Lãnh sự cùng ba cán bộ của Bộ Ngoại giao bị bắt là do cáo buộc nhận hối lộ. Hành vi nhận hối lộ là ở khâu cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay “giải cứu” và “thương mại trọn gói” thời điểm dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước khi có các chuyến thương mại trọn gói, công dân muốn về nước chỉ có thể đăng ký với Đại sứ quán để về trên các chuyến hồi hương. Nhiều người phản ánh có khi họ phải mua vé chợ đen hoặc mua suất để có thể lên được các chuyến này.
Giới quan sát nhận định rằng, ngoài ‘nhận hối lộ’ để xét duyệt cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, hành vi tham nhũng cần phải bị phanh phui là việc các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài gây khó khăn cho người dân, khiến những người có nhu cầu về nước – nhưng không thuộc ba nhóm đối tượng ưu tiên – phải chi thêm nhiều tiền để mua suất trên những chuyến bay nói trên.
Một người giấu tên tiết lộ với BBC hồi tháng 2/2022 rằng, vào Tết 2021, khi Mỹ đang bùng dịch và nhiều người chết thì những chuyến bay hồi hương từ bờ Đông, tiền mua suất có giá là khoảng 8.000 USD, từ bờ Tây là khoảng 11.000 USD.
Sau đó, mỗi người phải chi trả thêm khoảng 2.500 USD nữa – đây là giá niêm yết trên trang đại sứ quán.
Người này cũng nói, các suất trên chuyến bay hồi hương không phải người nào cũng là mua mà có thể là thuộc diện “xin-cho” từ quan hệ quen biết. Số còn lại là những người đăng ký nguyện vọng với Đại sứ quan và thuộc nhóm đối tượng như nhà nước đề ra nên được lên máy bay.

Người này bình luận: “Điều này cho thấy, có những thời điểm mà suất bay về nước là an nguy tính mạng thì người ta cũng sẵn sàng chi 10-11.000 USD để mua suất. Theo luật, cơ quan công quyền nên không được thu tiền ngoài ngân sách cho nên Đại sứ quán làm việc thông qua một số công ty mà họ chỉ định – như chặng ở Mỹ là công ty An Bình. Công ty này sẽ yêu cầu người dân gửi đúng số tiền Đại sứ quán yêu cầu và khi nộp đủ, họ xuất vé cho mình về.”
“Thế nên, đoạn tham nhũng còn là việc mua suất để có tên trong danh sách về trên chuyến bay giải cứu. Điều này có nghĩa là ai đi theo diện mua suất này sẽ phải trả tiền hai lần: tiền mua suất để được lên chuyến bay và tiền vé,” người này phân tích.

Bình luận về vụ việc này với BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng, trong một vụ án, phải phân biệt rõ ràng chỗ nào là tham nhũng, chỗ nào không.
“Chuyện người ta căn cứ vào những khó khăn về nguồn lực, máy bay vào thời điểm đại dịch để đặt mức giá cao, tầm 1,5 lần để tổ chức chuyến bay thì có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế mức giá cao quá thì dẫn đến lạm dụng quyền lực và đây là nhân tố của tham nhũng.
“Số tiền này không hề nhỏ, 200.000 người mà được giải cứu, cứ tính trung bình mỗi người nộp quá mức bình thường 2.500 USD thì con số đã lên nửa tỷ USD.
“Con số nửa tỷ USD này đi vào các công ty mà giúp Cục lãnh sự tổ chức các chuyến bay giải cứu sẽ được thể hiện qua thu nhập, lợi nhuận. Nếu họ đóng thuế đầy đủ theo luật về thuế của Việt Nam thì chưa chắc đây đã là tham nhũng.”
“Nhưng rõ ràng họ không làm vậy. Họ lại dùng tiền đấy mà đem chia cho nhau, hối lộ cho những người ở Bộ Ngoại giao – tức là đưa hối lộ và những người ở Bộ Ngoại giao nhận số tiền ấy – tức là hành vi nhận hối lộ,” ông Hợp phân tích.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khi đó nói mỗi chuyến bay giải cứu người Việt từ nước ngoài về sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đến vài tỷ đồng, mà có tới gần 2.000 chuyến bay.
Theo Tiến sỹ Hợp, câu hỏi cần đặt ra đó là số tiền đã thu vào nhờ việc trục lợi là bao nhiêu, bắt thế đã đủ chưa:
“Đây chỉ mới điều tra những người đang ở Việt Nam, còn số cán bộ, nhà ngoại giao Việt Nam đang ở nước ngoài mà dính dáng vụ này thì chưa bị sờ đến. Vụ việc xảy ra ở hàng chục nước vậy các nhân viên của đại sứ quán cũng khó tránh việc liên quan,” theo ông Hợp.
“Ngạo nghễ khi ‘ăn của dân’”
Khi vụ án chuyến bay giải cứu nổ ra, dư luận đã châm biếm vụ việc bằng cách chia sẻ lại bài viết của một Facebook mang tên Nguyễn Viết Sơn với tựa đề “Ngạo nghễ Việt Nam” để chỉ việc nhà nước cho các chuyến bay giải cứu đưa người dân Việt Nam về nước trong đại dịch.
Theo những độc giả bình luận trên trang Facebook của BBC, những cán bộ tại Cục Lãnh sự và đường dây tham ô trong các chuyến bay giải cứu này “vừa ăn cướp vừa la làng”.
“Họ vừa tung hô hành động vốn là trách nhiệm của những người như họ, muốn tiếng thơm thuộc về mình nhưng đồng thời cũng thò tay ăn tiền của dân cả hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Rồi những người phải dùng hết tiền để có được một chỗ ngồi trên các chuyến bay trục lợi đó có được hoàn trả thiệt hại không. Có người, để mua được một suất về với gia đình là tiền mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm trời, rốt cuộc rót hết vào túi bọn quan tham,” độc giả BBC bình luận.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận, nhận định với BBC News Tiếng Việt về vụ việc hôm 18/7:
“Các vụ án long trời lở đất như Việt Á, chuyến bay giải cứu chứng tỏ trong thâm căn cố đế, hễ có cơ hội là quan chức lại đục khoét của dân. Vì vậy tôi từng nêu quan điểm, phải có án tử hình những vụ như Việt Á vì biết bao nhiêu người dân trong dịch đã mất mạng, chịu cảnh ngăn sông cấm chợ và bị đàn áp mà tới giờ vẫn không có một lời xin lỗi.”
“Người ta hay nói, cháy nhà mới lòi mặt chuột, khi xảy ra sự kiện đặc biệt như dịch Covid thì sự gian ác mới lộ ra – các quan chức cấp bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, cục phó bắt đầu lộ dần ra.”
“Khi quyền lực tuyệt đối không bị kiểm soát thì tham nhũng là tuyệt đối và Việt Nam là như thế,” ông Thuận kết luận.
Hôm 18/7, Giáo sư Carl Thayer đánh giá với BBC rằng:
“Các cuộc bắt bớ mới nhất trong vụ bê bối liên quan đến Covid gồm Việt Á và các chuyến bay hồi hương trục lợi đã chứng minh: sau chín năm nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, các quan chức cấp cao đã không mảy may sợ sệt khi nhúng chàm vào năm 2021.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp kết luận: “Cả vụ chuyến bay giải cứu gây ra một sự mất niềm tin vô cùng lớn của công dân Việt Nam và của quốc tế đối với hệ thống hành chính Việt Nam, đặc biệt là đối với Bộ Ngoại giao.”

Thay đổi tên gọi
Các “chuyến bay giải cứu” theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam bấy lâu nay được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như “Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ; Học sinh dưới 18 tuổi; Sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/ gia hạn lưu trú; Doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị “mắc kẹt” vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; Người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; Khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt”.
Thông thường, đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại chịu trách nhiệm trình dach sách này với Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm làm việc với các bộ ngành liên quan khác như Bộ Y Tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid 19… để duyệt danh sách trước khi khách có thể mua vé và giá vé các chuyến bay giải cứu cũng rất đắt.
Về sau, truyền thông tại Việt Nam đã đưa tin ít về các “chuyến bay giải cứu” và gọi các chuyến đang khai thác là “các chuyến bay hồi hương”, “thương mại”, hay “combo” với nhu cầu người Việt sống tại nước ngoài về nước vẫn nhiều.
Điểm đáng chú ý là văn bản của Bộ Công an được báo Thanh Niên dẫn lại mô tả các chuyến bay “giải cứu” là “không trả phí”. Tuy nhiên, những chuyến bay do các công ty lữ hành đứng ra tổ chức này lại lấy giá “trên trời”, theo phản ánh của nhiều người dân bay về Việt Nam vào thời điểm đó.