
Đảng Cộng sản cầm quyền của đất nước cam kết hành động vì môi trường – nhưng chỉ dưới sự lãnh đạo của chính mình
THE DIPLOMAT by David Hutt – July 14, 2022
Ba Sàm lược dịch
Tại sao vào tháng trước nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Ngụy Thị Khanh bị kết án 2 năm tù?
Cách giải thích thứ nhất, người ta có thể kết luận rằng bản án đó không liên quan gì đến chủ nghĩa bảo vệ môi trường của Khanh, mà đó là vì Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền đã bịt miệng hầu hết những người chỉ trích nó, bằng những biện pháp tàn bạo hơn bao giờ hết kể từ năm 2016.
Đặng Đình Bách, một nhà hoạt động nhân quyền cho người lao động, đã bị kết án 5 năm tù vào tháng Giêng, vì các cáo buộc bịa đặt là trốn thuế tương tự, một biện pháp mới để trấn áp một số tiếng nói nhất định. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết bản án không liên quan gì đến hoạt động tích cực của bà.
Cách giải thích thứ hai, cho rằng tất cả đều liên quan đến chủ nghĩa môi trường của Khanh và việc bà bị bắt giam cho thấy chính phủ Việt Nam thực sự không quan tâm đến hành động chống biến đổi khí hậu.
Điều đó cũng không thuyết phục. Tờ The Economist gần đây đã gọi Việt Nam là “một điểm sáng trên tấm bản đồ nhem nhuốc” về hành động chống biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á. (Đúng là như vậy, mặc dù mức độ hành động ở đây là thấp.) Việt Nam hiện là một trong mười nước sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu trên thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết chấm dứt tiêu thụ than vào năm 2040 và cho biết chính phủ của ông sẽ dừng việc xây dựng các nhà máy điện đốt than mới. Ông ta muốn cắt giảm lượng khí thải xuống bằng không vào năm 2050.
Cách giải thích thứ ba (và hợp lý nhất), tự nhiên nằm ở đâu đó. Hai cuộc khủng hoảng tồn tại lớn nhất mà ĐCSVN phải đối mặt là thay đổi môi trường và hoạt động vì môi trường. Năm 2017, tôi đã lập luận rằng chủ nghĩa hoạt động vì môi trường là mối đe dọa chính trị lớn nhất đối với Đảng Cộng sản. (“Liệu vấn đề Môi trường có dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ Việt Nam ?,” Tôi đặt dấu hỏi.) Một phần là do các nhà môi trường phần nào đó được bảo vệ khỏi những lời chỉ trích của chính quyền.
Không giống như phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước, Đảng Cộng sản không thể đơn giản tuyên bố là những nhà hoạt động môi trường muốn lật đổ trật tự chính trị; họ hầu hết đang vận động hành lang cho những cải cách trong hệ thống hiện có. Họ cũng có tinh thần dân tộc sâu sắc, như đã thấy với các cuộc biểu tình trong một thời gian dài sau khi nhà máy thép Formosa do Đài Loan làm chủ đầu tư đổ hàng tấn chất thải độc hại vào năm 2016. Nhưng, như cuộc biểu tình đó cho thấy, các yêu cầu có thể nhanh chóng leo thang ngoài các vấn đề môi trường. Khẩu hiệu “Cá cần nước sạch. Dân cần minh bạch” vẫn được ghi nhớ từ những cuộc biểu tình đó.
Chủ nghĩa môi trường cũng đang thống nhất. Chúng tôi đã chứng kiến các nhóm ủng hộ dân chủ công khai như Khối 8406 và Hội Anh em Dân chủ hoạt động. Ở nông thôn, hoạt động đấu tranh vì quyền đất đai đã trở nên mạnh mẽ hơn, như đã thấy trong “vụ tàn sát Đồng Tâm” vào đầu năm 2020, lẽ ra sẽ còn thu hút nhiều sự chú ý hơn nếu COVID-19 không xuất hiện. Ở các khu vực thành thị, chủ nghĩa công đoàn độc lập đang gia tăng. Các tầng lớp trung lưu và các chuyên gia đang vận động cho một nhà nước pháp quyền thực sự và các quyền sở hữu tư nhân.
Nhưng những chuyển động này là khác nhau. Chủ nghĩa môi trường cung cấp một cái ô. Nó được phân chia theo tầng lớp – nông dân nghèo và tỷ phú sẽ bị ảnh hưởng như nhau bởi biến đổi khí hậu – và theo vị trí địa lý và thế hệ. Và nó đã tạo ra những cầu nối mới giữa các nhà hoạt động cá nhân, công chúng rộng lớn hơn và các nhóm xã hội dân sự đang phát triển.
Đồng thời, sự thay đổi môi trường đang gây khó khăn sâu sắc cho quyền lực của Đảng. Vì những vấn đề mà nó gây ra, nó làm tăng phạm vi tương tác giữa ĐCSVN và người dân Việt Nam. Ở bất kỳ nhà nước độc tài nào, bạn có thể sống một cuộc sống khá yên bình miễn là chính trị không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Đó là hợp đồng xã hội ngầm; tránh xa chính trị và chính trị sẽ tránh xa bạn.
Nhưng sự tức giận của công chúng càng dâng cao khi có nhiều điểm xích mích giữa hệ thống và người dân. Đó là vấn đề do thay đổi môi trường đặt ra. Vì tác động của nó là phổ biến, ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong xã hội, nên đương nhiên sẽ có nhiều điểm tranh chấp hơn giữa những gì người dân và Đảng Cộng sản cho là con đường đúng đắn. Bởi vì nó sẽ không được giải quyết trong một vài tháng hoặc vài năm, nó sẽ vẫn là một vấn đề vĩnh viễn đối với người dân Việt Nam.
Đương nhiên, ĐCSVN lo ngại. Chắc chắn, nó cai trị một trong những quốc gia đàn áp nhất ở Đông Nam Á. Nhưng nó thường phải lắng nghe những lời phàn nàn của công chúng. Một ví dụ đáng chú ý về điều này là khi chính quyền thành phố Hà Nội ủng hộ các cuộc biểu tình công khai về việc thành phố chặt cây. Các đồng minh phương Tây của Việt Nam đã quen nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng đàn áp của nó đối với công nhân nhà máy hoặc luật sư. Nhưng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã lớn giọng hơn về việc Hà Nội tham gia chương trình nghị sự về khí hậu của họ. Phản ứng của họ đối với việc Khanh bị bỏ tù nghiêm trọng hơn bình thường.
Đảng Cộng sản cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng chỉ với các điều kiện của riêng mình. Nó cần ý kiến của chuyên gia (đôi khi là áp lực của công chúng từ các nhà hoạt động) nhưng sẽ không phải chịu tất cả những lời chỉ trích, đặc biệt là khi những chỉ trich đó đến từ khu vực xã hội dân sự đang phát triển. Hiện tượng này rất rõ là một vấn đề từ trên xuống. Nó không muốn người dân Việt Nam tự thiết lập các phương án cho hành động của mình. Bởi vì như vậy thì người dân có thể yêu cầu có hành động cứng rắn hơn và nhanh chóng hơn về khí hậu, so với những gì Đảng muốn theo đuổi, sẽ ảnh hưởng đến hệ thống mà Đảng bảo trợ hoặc đến chính sách kinh tế rộng lớn hơn của Đảng. Rốt cuộc, Đảng biết rằng hành động vì khí hậu sẽ không thể sớm biến mất. Nếu để cho mọi người có quá nhiều tiếng nói và họ có thể bắt đầu yêu cầu có những thay đổi khác.
Một vấn đề tương tự là chủ nghĩa dân tộc. Cho đến những năm 1990, Đảng Cộng sản là trọng tài chính của lòng yêu nước. Đó là đảng đã đánh bại chủ nghĩa thực dân và sau đó là các cuộc xâm lược của Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng kể từ những năm 1990, chủ nghĩa dân tộc đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của Đảng. Giờ đây Đảng thường phải tuân theo chương trình nghị sự của chủ nghĩa dân tộc hơn là dẫn dắt tinh thần đó; lại còn thường xuyên bị cáo buộc là không đủ lòng yêu nước, đặc biệt là trong bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Trung Quốc.
Theo cách tương tự, ĐCSVN không muốn đánh mất lớp vỏ bọc của mình với tư cách như là tổ chức làm trọng tài của hành động khí hậu. Nó muốn trở thành đầu tàu, hiện thân của hành động vì môi trường ở Việt Nam.
Nó muốn mọi người tập hợp xung quanh hành động vì môi trường – nhưng chỉ dưới ngọn cờ cộng sản.