
Newsweek byKimiko Hirata and Julien Vincent – 7/8/22
(Kimiko Hirata, Tiến sĩ, là giám đốc điều hành của Climate Integrate, Nhật Bản. Julien Vincent là giám đốc điều hành của Market Forces, Úc).
Ba Sàm lược dịch
Tháng trước, đồng nghiệp của chúng tôi và là người đoạt giải Goldman Environmental Prize, Nguy Thị Khanh, đã bị kết án hai năm tù tại Việt Nam. Cáo buộc là “trốn thuế”, nhưng lý do có thể là do bà cam kết xóa bỏ than đá và nhiên liệu hóa thạch cho Việt Nam.
Trong 10 năm qua, Khanh đã làm việc với các chính quyền cấp tỉnh và cấp quốc gia, cũng như xã hội dân sự trên khắp Việt Nam, nhằm giảm bớt các kế hoạch mở rộng sử dụng than, chứng minh hiệu quả về chi phí của các giải pháp năng lượng tái tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát thải của nhà máy điện than với tình trạng Hà Nội nằm trong số những nơi bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc, sự phụ thuộc vào than đá cũng kéo theo, đó là điều mà Khanh đã dũng cảm lên tiếng phản đối.
Thật không may, bà đã bị bắt vào tháng Giêng, và đã ở tại Trại giam Hà Nội và không thể liên lạc với chồng hoặc ba con của mình kể từ đó.
Mặc dù Khanh là nhà lãnh đạo môi trường nổi tiếng quốc tế bị bắt tại Việt Nam trong năm ngoái, nhưng bà không phải là người duy nhất. Ba người khác đang ngồi tù – cũng vì tội “trốn thuế”. Một trong số họ, luật sư môi trường vì lợi ích công Đặng Đình Bách, bị bắt vào tháng Bảy năm ngoái – hai tuần sau khi có đứa con đầu lòng – và bị kết án 5 năm tù. Cả bốn người, có lẽ không phải ngẫu nhiên, đều là thành viên của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam do Khanh sáng lập.
Nỗi sợ hãi đang lan rộng khắp các tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, khiến họ càng do dự hơn trong việc tham gia vào công việc chuyển đổi năng lượng sạch của đất nước.
Những vụ bắt bớ này và sự đe dọa mà những người ủng hộ môi trường ở Việt Nam phải đối mặt tương phản với cam kết táo bạo của chính phủ tại Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc (COP 26) vào tháng 11 năm ngoái nhằm đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngay sau thông báo này, một số chính phủ G7, bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản, ca ngợi cam kết của Chính phủ Việt Nam và bắt đầu đàm phán các thỏa thuận chuyển đổi năng lượng. Mục tiêu của họ là đạt được mục tiêu tương tự như Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Mới trị giá 8,5 tỷ USD đã được thỏa thuận với Nam Phi vào năm ngoái và đưa ra thông báo tại COP 27 vào tháng 11.
Với tư cách là những nhà hoạt động tận tâm vì khí hậu, chúng tôi hết lòng ủng hộ những cuộc đàm phán này, vì chúng rất quan trọng trong việc làm chậm quá trình ấm lên của hành tinh chúng ta. Việt Nam có dân số đông và ngày càng tăng với gần 100 triệu người; ngày càng đóng vai trò như là một trung tâm sản xuất toàn cầu; nhu cầu năng lượng tăng cao với kế hoạch tăng gấp đôi công suất phát điện vào năm 2030, và hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào than. Nếu nước này có thể chuyển đổi sang năng lượng sạch, nó sẽ tạo ra tác động to lớn trong khu vực và hơn thế nữa.
Nhưng chúng tôi lo ngại về khả năng của Việt Nam trong việc thực hiện một cách hiệu quả một cam kết cả gói lớn và mang tính chuyển đổi, cộng với việc xã hội dân sự phải nhận lãnh trách nhiệm về hàng tỷ đô la tài chính quốc tế, trong khi lại không có sự tự do của những người đi tiên phong trong các chiến lược vốn đã giúp đặt nền móng cho những mục tiêu đầy tham vọng này.
Ngay sau bản án đối với Khanh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi trả tự do cho bà, cùng với “các nhà hoạt động môi trường bị giam giữ khác từng hoạt động vì lợi ích của Việt Nam và người dân.” Chúng tôi thúc giục các quốc gia khác tham gia công khai kêu gọi việc trả tự do cho họ.
Ngoài ra, bất kỳ quốc gia nào đàm phán các gói thương mại, viện trợ và đầu tư mới hoặc quan hệ đối tác với chính phủ Việt Nam đều cần phải đảm bảo rằng các tổ chức phi lợi nhuận ở nước này có thể tiếp tục đóng góp chuyên môn của mình một cách tự do và hợp pháp. Các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, bao gồm Chủ tịch COP 26 Alok Sharma và đặc phái viên COP 26 John Murton, cần đảm bảo rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào xung quanh một gói Chuyển đổi Năng lượng Mới với Việt Nam cũng đều phải đáp ứng các điều kiện tương tự.
Công việc mà Khanh đã hoàn thành là không hề dễ dàng. Trước khi bị bắt, bà đã chia sẻ với chúng tôi rằng văn phòng của bà đã bị công an đột kích và bà đang bị theo dõi hàng ngày. Mặc dù áp lực ngày càng lớn, bà vẫn tiếp tục sử dụng tiếng nói của mình để mang đến sự thay đổi. Bà đã sử dụng khoa học để thúc đẩy nỗ lực của mình và phát triển một mạng lưới tổ chức mạnh mẽ nhằm tác động đến những người ra quyết định chính. Bà đã thực hiện một cách tiếp cận mềm mại để có được sự tin tưởng của những người ra quyết định, xây dựng cầu nối giữa xã hội dân sự, chính phủ và doanh nghiệp. Khanh đã dành cả cuộc đời của mình để cố gắng giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu, để các thế hệ con cháu của mình không phải chịu tác động tàn khốc của khủng hoảng khí hậu. Bà là một nhà hoạt động tài giỏi và đầy kỹ năng, người không nên phải bị đứng sau song sắt.
Tương lai năng lượng sạch của Việt Nam đang bị đe dọa khi Khanh, Bách, và những người khác ủng hộ cho môi trường phải thụ án tù. Gia đình của Khanh và Bách đang kháng cáo bản án của họ, nhưng họ sẽ không thành công nếu quốc tế không lên tiếng.
Nếu không có được những đóng góp về chuyên môn và sự đi đầu của họ, Việt Nam sẽ khó có khả năng đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 như nước này đã cam kết. Những nhà hoạt động này phải được trả tự do ngay lập tức để họ có thể tiếp tục sứ mệnh quan trọng của mình là giúp Việt Nam chuyển đổi sang một tương lai không sử dụng than và nhiên liệu hóa thạch. Với nhiệt độ toàn cầu đang tăng ở mức báo động, sẽ không còn thời gian để cho ta lãng phí.