3391. Quốc hội VN, kỳ 2: ‘Vòng kim cô’ hiệp thương và số phận những kẻ ‘ngoài lề’ đơn độc

16 tháng 6 2022

Xem phần trước: 3388. Quốc hội Việt Nam, kỳ 1: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

Những “hội nghị hiệp thương” ở Việt Nam được Đảng Cộng sản xem là cách “đảm bảo dân chủ, lựa chọn người tiêu biểu” cho Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhưng với nhiều người khác, đây lại là cơ chế đã gạt những người tâm huyết muốn đóng góp ra ngoài lề vì họ chỉ là đại biểu độc lập.

Tuy là cơ quan lập pháp quyền lực nhất nhưng hình hài của Quốc hội như thế nào lại nằm trong tay Đảng cộng sản.

Trước cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15 năm 2021, xảy ra việc bắt giữ hai ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh, đều tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Từng là ứng cử viên độc lập năm 2016, ông Nguyễn Đình Hà nhận xét với BBC hôm 15/6:

“Một mặt, chính quyền nói rằng ngày bầu cử người dân được thực hiện quyền của mình, nhưng ai cũng hiểu rằng việc bầu bán đều được đảng đề cử. Và việc tổ chức bầu cử, tuyên truyền này chỉ giúp mang lại tính chính danh cho chế độ hiện tại.”

Những “bạch vệ đơn độc”

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, nhiều nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến ở Việt Nam cũng bị quấy rối bởi công an liên quan đến việc chỉ trích các chính sách của chính phủ.

Tháng 10 năm 2021, ông Trần Quốc Khánh bị tòa ở Ninh Bình tuyên sáu năm sáu tháng tù giam và hai năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Cuối tháng 12/2021, ông Lê Trọng Hùng bị tòa ở Hà Nội kết án 5 năm tù vì “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Truyền thông Việt Nam khẳng định “các cá nhân này đã thực hiện những hành vi phạm tội trong thời gian dài, trước khi tự ứng cử”.

Nhưng các tổ chức nhân quyền quốc tế như HRW lại nói việc bỏ tù “cho thấy các cuộc bầu cử ở Việt Nam đã bị dàn dựng đến mức nào”.

Nhiều ứng cử viên độc lập có “lý lịch” tốt cũng không vượt qua vòng hiệp thương.

Hiệp thương được coi là vòng kim cô bóp nghẹt cơ hội của các ứng cử viên độc lập.

Ở kỳ bầu cử Quốc hội khoá 14, ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Truyền hình Việt Nam và là một nhà hoạt động từ thiện, bị loại hỏi vòng hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận ví von:

“Những người ứng cử như Tiến sĩ, nhà báo Trần Đăng Tuấn hay các ứng cử viên tự do khác, tôi thường gọi họ là bạch vệ vì họ không có lực lượng, không có gì cả. Nhưng họ lại phải đối mặt với những ứng cử viên có tất cả – có Đảng, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang phía sau hậu thuẫn.”

Hiệp thương hay đấu tố?

Để ứng cử Quốc hội ở Việt Nam, một ứng cử viên độc lập phải đi qua ba vòng Hiệp thương để có tên trong danh sách ứng cử viên chính thức.

Theo định nghĩa chính thức, hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và ở địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ông Nguyễn Đình Hà nói: “Vòng đầu là làm hồ sơ, rồi tới vòng hiệp thương 2 tức là hội nghị cử tri, vòng hiệp thương 3 là Ủy ban bầu cử lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.”

“Vòng đầu thì ai đủ tiêu chuẩn cũng có thể làm hồ sơ để tham gia. Vòng hai là lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú và nơi công tác thì đối với những ứng cử viên độc lập, đa phần đây như cuộc đấu tố. Ở vòng 3, đây là giai đoạn mà Ủy ban Trung ương MTTQ các cấp gạt bỏ các ứng viên mà theo họ cho là không đủ điều kiện.”

Từng công khai mình ứng cử tự do và khi chuẩn bị diễn ra vòng Hiệp thương 2, ông Nguyễn Đình Hà cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A đột nhiên bị bắt đi vào ngày 23/3/2016 trên phố Triệu Quốc Đạt nơi diễn ra phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm).

Ông Hà kể: “Tôi bị đưa về trụ sở công an phường nơi cư trú Vĩnh Tuy và tại đó họ đã diễn một màn kịch có mời đến đại diện nơi tôi cư trú – tổ trưởng dân phố và người công tác MTTQ địa phường.”

“Họ nói rằng tôi gây rối trật tự công cộng trước tòa án nhân dân TP Hà Nội. Tôi bị phạt và lập biên bản ở mức cảnh cáo.”

“Sau đó ở vòng hiệp thương 2, sự việc bị lôi ra bới móc. Tôi đâm kiện việc bị bắt cóc bởi những người không mặc cảnh phục thì họ có gọi lên ghi lại lời khai chứ không giải quyết gì.”

à một trong những phụ nữ hiếm hoi tự ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016, bà Đặng Bích Phượng bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 20/4/2021, về kịch bản mà những người như bà thường gặp:

“Chỉ những người nói theo chỉ đạo và chỉ những người có giấy mời mới được tham dự buổi hiệp thương. Tôi biết những người ủng hộ mình hầu như không một ai được mời. Vì vậy, tôi đưa ra yêu cầu phải có người dân khu tôi tham gia thì bị từ chối với lý do là phòng nhỏ, không mời hết được. Tôi viết đơn không tham gia buổi hiệp thương này.”

“Vì cư dân ở chung cư tôi đa phần cùng cơ quan và sống cùng tôi từ bé nên họ rất hiểu gia đình nhà tôi, nên để vu khống tôi rất khó. Thế là họ chọn cử tri ở đơn vị khác để họ đấu tố mình. Đó là vũ khí mà họ dùng để gạt bỏ những ứng cử viên độc lập,” bà Phượng phân tích.

Trường hợp một ứng viên LGBT

Kỳ bầu cử Quốc hội năm 2021 nổi lên cái tên Lương Thế Huy, một nhà hoạt động cho cộng đồng LGBT.

Lương Thế Huy trở thành người đồng tính công khai đầu tiên ứng cử vào Quốc hội Việt Nam.

Ông Huy đã chính thức qua ba vòng hiệp thương.

Ứng cử viên sinh năm 1988 được MTTQ tín nhiệm giới thiệu là ứng cử viên chính thức của bầu cử Quốc hội khoá 15 và HĐND Thành phố Hà Nội.

Trên Facebook, có hẳn một nhóm mang tên “Hà Nội bầu Lương Thế Huy?” với hơn 1,6 nghìn thành viên.

Quá trình vận động tranh cử của Lương Thế Huy vào năm ngoái được cho là thông tin đầy đủ về bản thân, chuyên môn và nội dung chính sách sẽ vận động nếu trúng cử ĐBQH.

Trả lời hãng thông tấn của Pháp AFP khi ấy, Lương Thế Huy chia sẻ lý do ứng cử Quốc hội:

“Trước khi tôi hoạt động về LGBT, tôi hay nghe những người phản đối nói với tôi rằng, hãy cứ là công dân bình thường, tại sao phải nhận mình là LGBT. Nhưng rõ ràng ở đây, khi tôi tham gia vào đời sống chính trị xã hội mà tất cả công dân Việt Nam tham gia vào thì thông điệp của nhiều người lại là: Hãy cứ yên với phận mình là LGBT, đừng cố gắng tham gia vào.”

Trẻ, học thạc sĩ ở nước ngoài, đại diện cho cộng đồng LGBT, và hơn hết được sự hậu thuẫn của mạng xã hội, nhưng Lương Thế Huy rốt cuộc chưa trúng cử đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A lý giải: “Lương Thế Huy đại diện cho cộng đồng LGBT, qua hết các vòng thì MTTQ lại đưa vào cái mà phương tây gọi là định lại khu vực bầu cử. Họ vận động người này người kia, báo đài, dư luận viên bôi nhọ để làm lung lạc phiếu bầu của cử tri. Cuối cùng Huy không trúng cử.”

Ông Nguyễn Đình Hà nói với BBC: “Trong quá trình bầu cử, nhiều tin tức không hay về Huy được tung ra như việc nói Huy trốn thuế. Nhưng về bản chất, Huy là người đại diện cho Viện iSEE, Huy và viện này là hai đối tượng khác nhau theo pháp luật về thuế.”

“Và việc này là vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính về thuế, chứ không phải vi phạm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế. Họ đánh lận hai khái niệm với nhau để làm Huy mất phiếu tín nhiệm.”

“Đồng thời, Huy còn được xếp chung với những người là “quân đỏ” của Đảng, toàn là Ủy viên ban chấp hành đảng bộ, phó bí thư Đảng ủy, có cả Bộ trưởng bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn kiêm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.”

Con đường nhiêu khê

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm 2009, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó có đề cập tới bầu cử Quốc hội.

Ông Võ Văn Kiệt nói: “Tôi và một số không ít anh em khuyến khích là nên có đổi mới, khuyến khích có tình trạng tự ứng cử để cho các ứng viên có trách nhiệm. Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ.”

Tuy vậy, cho đến nay, vẫn vô cùng khó khăn cho các ứng cử viên tự do, như lời tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:

“Tôi suy đoán, Đảng sợ dù chỉ một người – tức chiếm tỉ lệ 0,002% được ứng cử tự do, được dân bầu tự do và lọt vào sẽ cất lên tiếng nói phản biện trên nghị trường. Cho nên họ phải loại ngay từ đầu.”

Còn theo lời ông Trần Quốc Thuận: “Đảng nắm mọi quyền lực nhưng vẫn không mạnh dạn mở đường cho một cuộc thách thức, để cử tri tự do lựa chọn bầu cử cho ai. Như vậy, Đảng tưởng rằng mình mạnh nhưng thực sự là yếu.”

Và khi một cá nhân độc lập không được cơ cấu mà có những tiếng nói mạnh mẽ chọn ra ứng cử là “họ đã ngập chân trong ma trận quyền lực của Đảng với đầy những xúc tu len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống chính trị cắt phăng mọi nỗ lực của những kẻ ngoài lề đơn độc cố gắng xáo trộn cơ cấu mà Đảng đã bày bố,” một nhà quan sát muốn giấu tên từ Sài Gòn bình luận với BBC.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *