
Liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, quan chức doanh nghiệp nhà nước Việt Nam chạy trốn bị bắt cóc từ công viên ở Berlin vào tháng 7 năm 2017
The Guardian – Agence France-Presse in Berlin – Thu 2 Jun 2022
Ba Sàm lược dịch
Một người đàn ông Việt Nam đã bị dẫn độ sang Đức, để đối mặt với cáo buộc tham gia vào một vụ bắt cóc theo kiểu chiến tranh lạnh một cách trơ trẽn, do Hà Nội ra lệnh, đối với một quan chức điều hành công ty dầu mỏ, các công tố viên cho biết.
Nghi phạm, chỉ được xác định là Anh T.L., đã được đưa đến Đức từ Cộng hòa Séc, sau khi ông ta bị giam giữ ở Praha vào tháng trước theo lệnh bắt giữ của Đức và châu Âu.
Vào tháng 7 năm 2017, một quan chức công ty nhà nước Việt Nam đào tẩu, tên là Trịnh Xuân Thanh, đã bị bắt cóc từ một công viên ở Berlin và đưa về Hà Nội.
“Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các thành viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các nhân viên của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, cũng như một số công dân Việt Nam sống ở châu Âu, trong số đó có Anh T.L.,” Tổng công tố viên tại tòa án công lý liên bang cho biết trong bản tuyên bố.
Nghi can “đã tham gia vào việc thực hiện các hoạt động, trong đó có theo dõi nạn nhân và hành động trong vai trò như một người lái những chiếc xe hơi được sử dụng trong phi vụ”, văn bản cho biết.
Thanh, 52 tuổi, và người bạn đồng hành nữ của ông ta, Thi Minh P.D., đang đi dạo trong công viên Tiergarten ở Berlin, thì họ bị kéo vào một chiếc xe tải trước sự chứng kiến của các nhân chứng và đưa lậu về Việt Nam. Thanh – một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản khi đó đang xin tị nạn chính trị ở Đức – đã bị kết án hai án chung thân tại Việt Nam về tội tham nhũng.
Vào tháng 7 năm 2018, một tòa án Berlin đã kết tội một người Séc gốc Việt, được xác định là Long N.H., đã hỗ trợ vụ bắt cóc và làm việc cho một cơ quan tình báo nước ngoài. Ông ta nhận một bản án tương đối nhẹ là ba năm 10 tháng, sau khi thú nhận về sự liên quan của mình.
Vào thời điểm đó, chủ tọa phiên tòa mô tả vụ bắt cóc là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Đức, chưa từng có trong lịch sử gần đây”.
Chính phủ Đức cho rằng đây là một “sự xâm phạm đầy tai tiếng” đối với chủ quyền của họ, đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam và nhiều lần triệu tập đại sứ Việt Nam.
Việt Nam, dưới sự cai trị của cộng sản, luôn khăng khăng rằng ông Thanh, cựu giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam, đã tự nguyện trở về để đối mặt với tội danh tham ô.