
EAST ASIA FORUM Author: Hai Hong Nguyen, UQ – 23 February 2022
(Nguyễn Hồng Hải là Nghiên cứu viên Danh dự tại Trung tâm Tương lai Chính sách, thuộc Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc.)
Ba Sàm lược dịch
Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, mức độ tham nhũng của Việt Nam đã giảm đáng kể vào năm 2021, từ mức xếp hạng thứ 104 xuống thứ 87 so với năm 2020. Nhưng sự thay đổi đáng khích lệ này không phản ánh một vụ tham nhũng kinh hoàng, liên quan đến bộ dụng cụ kiểm tra COVID, vừa được đưa ra ánh sáng vào những ngày cuối năm 2021. Quy mô tuyệt đối của nó – và sự tham gia của các quan chức nhà nước – đã gây chấn động cả nước.
Vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, một công ty tư nhân bị cáo buộc thu lợi bất hợp pháp gần 4 nghìn tỷ đồng Việt Nam (176 triệu USD) bằng cách tính phí quá cao cho bộ xét nghiệm COVID và thông đồng với các giám đốc bệnh viện trên toàn quốc. Sau cuộc điều tra, một số nhân vật nổi tiếng đã bị bắt – bao gồm Giám đốc điều hành của Việt Á, và một số quan chức cấp cao của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh.
Trước những vụ khởi tố hình sự này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng, khi đang là Chủ tịch nước, đã tặng thưởng Huân chương Lao động cho Việt Á để ghi nhận chiến công chống lại COVID của công ty. Sau vụ bại lộ tham nhũng, ông Trọng đã sử dụng chức vụ Chủ tịch Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng (BCĐCTN) để ra lệnh cho các cơ quan liên quan đưa vụ Việt Á và 9 vụ tham nhũng khác ra xét xử vào năm 2022. Trong một tuyên bố được công bố bằng phương tiện truyền thông nhà nước, BCĐCTN cũng yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan để mở rộng điều tra và trừng phạt không hạn chế những kẻ phạm tội.
Ông Trọng – người được mệnh danh là ‘người đốt lò vĩ đại‘ sau khi coi các quan chức tham nhũng là củi – dường như đang báo hiệu một chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi tham nhũng nào. Nhưng câu hỏi cấp bách vẫn còn đó – còn bao nhiêu vụ tham nhũng vẫn chưa được phát hiện và những nỗ lực chống tham nhũng của ĐCSVN có phải vẫn không đạt được mục tiêu không? Và nếu vậy, thì tại sao?
Công bằng mà nói, chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSVN đã đạt được những kết quả chưa từng có dưới cái bóng của tự do hóa kinh tế. Vào tháng 12 năm 2020, cuộc kiểm điểm đầu tiên về kết quả hoạt động của BCĐCTN, kể từ khi thành lập vào năm 2013, cho thấy hàng chục nghìn đảng viên đã bị kỷ luật hoặc bị truy tố vì các vụ tham nhũng. Đáng chú ý có 27 người đương nhiệm và cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, 4 người đương nhiệm và cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cùng hơn 30 tướng lĩnh quân đội.
Những con số này tiếp tục tăng lên – BCĐCTN đã khởi tố và điều tra 390 vụ án tham nhũng liên quan đến 1011 người vào năm 2021, bao gồm một bí thư tỉnh ủy, một thứ trưởng bộ y tế và 10 tướng cấp cao trong Bộ tư lệnh cảnh sát biển của Việt Nam.
Để nhìn lại những thành công này, trước năm 2013, đảng đã không trừng phạt bất kỳ quan chức cấp cao nào, mặc dù từ năm 1994 đảng đã công nhận tham nhũng là mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của chế độ.
Nhưng càng phát hiện nhiều vụ án tham nhũng thì càng thấy rõ chúng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có bao nhiêu trường hợp không bị phát hiện ẩn dưới dòng nước đó?
Tổ chức Minh bạch Quốc tế vạch ra 4 yếu tố của các quốc gia ‘không có tham nhũng’: những cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực, một xã hội dân sự được tự do, nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và báo chí độc lập. Ở Việt Nam, các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý chỉ đăng tải các bài báo về tham nhũng do các cơ quan nhà nước cung cấp. Những hạn chế về quyền tự do báo chí làm suy yếu chức năng điều tra độc lập của truyền thông nhà nước Việt Nam, giảm thiểu khả năng phát hiện tham nhũng và giảm áp lực lên chế độ đối với trách nhiệm giải trình.
Trọng và các nhà lãnh đạo khác của ĐCSVN cũng tuân theo niềm tin của người cha sáng lập và lãnh tụ tinh thần Hồ Chí Minh rằng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ quan chức đặc biệt dễ bị tham nhũng trong một xã hội thiếu những sự kiểm tra và cân bằng quyền lực này.
Với sự chú ý ngày càng tăng của công chúng, vụ án Việt Á sẽ được coi là “bộ xét nghiệm” cho các nỗ lực chống tham nhũng của Trọng và ĐCSVN. Cư dân mạng Việt Nam đang đặt ra câu hỏi về thủ phạm thực sự đằng sau vụ án nhiều triệu đô la này. Một số người ngờ rằng vụ án là sự “lũng đoạn nhà nước“ với quy mô lớn, chứ chỉ không phải chỉ có một số cá nhân xấu. Bất chấp điều đó, Phan Đình Trạc, trợ lý của Trọng trong BCĐCTN và là Trưởng Ban Nội chính Trung ương (BNCTW), gần đây khẳng định BNCTW sẽ theo đuổi đến cùng vụ Việt Á và các vụ tham nhũng lớn khác, cho dù áp lực gia tăng.
Liệu BNCTW của Trạc có giải đáp được những thắc mắc xung quanh vụ Việt Á hay không? Chúng ta phải chờ xem. Nhưng trong khi đó, cục trưởng và ba nhân viên khác của Cục Lãnh sự đã bị bắt và bị buộc tội nhận hối lộ để tổ chức các chuyến bay ‘giải cứu’ cho kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong thời kỳ đại dịch.
Tham nhũng là thứ virus lây lan khắp các lĩnh vực ở Việt Nam. Nếu không có sự hiện diện mạnh mẽ của bốn yếu tố theo như Tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu ra, thì các nỗ lực chống tham nhũng của ĐCSVN chắc chắn sẽ không thành công. Quy mô thực sự của tảng băng tham nhũng ở Việt Nam sẽ vẫn là một câu đố.