2838. Thất bại ở Afghanistan còn tồi tệ hơn ở Việt Nam

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ

Đông Nam Á không bị rơi vào tay cộng sản, và Sài Gòn khi đó đã tiến gần hơn đến thắng lợi.

THE WALL STREET JOURNAL by William Lloyd Stearma – Oct. 1, 2021 

Lê Bền lược dịch, Ba Sàm hiệu đính

Nhiều người đã so sánh thất bại của Mỹ ở Afghanistan với Việt Nam. Nhưng sự so sánh là không công bằng với Việt Nam.

Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam chủ yếu để chống lại mối đe dọa của cộng sản đối với Đông Nam Á. Năm 1955, Tổng thống Eisenhower đã đặt mối đe dọa cộng sản đối với Việt Nam vào trong bối cảnh rộng lớn hơn là mối đe dọa đối với toàn bộ khu vực này. Ông nói rằng một chiến thắng của cộng sản ở Việt Nam sẽ dẫn đến các cuộc thôn tính của các thế lực cộng sản khác ở Đông Nam Á, với việc các quốc gia bị sụp đổ sẽ giống như một loạt quân cờ domino.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cho rằng việc Hoa kỳ đưa quân đội chiến đấu đến Việt Nam, bắt đầu từ tháng 5 năm 1965, đã khích lệ rất nhiều khả năng kháng cự thành công của họ trước các mối đe dọa từ cộng sản. Khu vực này không thất bại – một thành tựu chiến lược.

Điều mà ít ai biết hoặc đánh giá cao là các lực lượng Nam Việt Nam đã tiến rất gần đến chiến thắng trong cuộc chiến vào năm 1972. Tất cả lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ đã phải rút lui khi thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh.

Hà Nội khi đó đang mong đợi một chiến thắng nhanh chóng trước các lực lượng mặt đất của Nam Việt Nam và tiến hành cuộc Tổng tấn công vào dịp Lễ Phục sinh (dịp từ tháng 3 đến tháng 4 – ND), sử dụng các sư đoàn được trang bị xe tăng hạng nặng, pháo tầm xa, tên lửa đất đối không của Liên Xô và các vũ khí hiện đại khác. Lực lượng Hà nội đã bị quân đội và hải quân miền Nam Việt Nam phản công.

Người Mỹ đã cung cấp sự yểm trợ trên không, mà không chỉ là chống lại vũ khí của kẻ thù. Bên phía chúng ta thực sự đã bắt đầu giành chiến thắng trong cuộc chiến. Điều này chưa bao giờ được giới truyền thông đưa tin, nhưng tệ hơn nhiều, nó bị cộng đồng tình báo Mỹ phớt lờ.

Tháng 9 năm 1972, lính thủy đánh bộ miền Nam Việt Nam tái chiếm tỉnh lỵ Quảng Trị. Vào thời điểm đó ,tôi đang làm việc tại Nhà Trắng, nhưng không biết được điều này qua các báo cáo tình báo.

Quân địch bị tổn thất nặng nề. Năm 1975, sau khi Hà Nội chiến thắng, cựu Tư lệnh Trần Văn Trà tuyên bố trên tờ Nhân Dân của Đảng Cộng sản rằng quân đội của ông ta, vào cuối năm 1972, đang ở trong tình thế nguy hiểm và dường như sắp bị đánh bại.

Như cựu Giám đốc CIA William Colby đã ghi lại trong cuốn sách “Lost Victory” (Một Chiến thắng bị bỏ lỡ – đã xuất bản ở VN – BS), rằng vào mùa thu năm 1972 “trên các trận địa miền Nam Việt Nam, cuộc chiến của chúng ta đã thắng”.

Đối mặt với viễn cảnh thất bại, Hà Nội lại chú tâm đến các cuộc đàm phán. Đối tác đàm phán cũ của Henry Kissinger, Lê Đức Thọ (người mà chúng tôi gọi là “Ducky”) đã liên lạc với ông ta, đề nghị nhượng bộ điều mà ông Kissinger đã mong muốn từ lâu: giữ nguyên địa vị của Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu.

Tôi thường tự hỏi liệu tôi có thể thuyết phục được ông Kissinger rằng phe chúng ta đang thắng, và liệu khi đó ông có quan điểm khác về các cuộc đàm phán này hay không. Tôi nghi ngờ điều đó.

Tổng thống Nixon mong muốn kết thúc chiến tranh và bị phân tâm bởi vụ bê bối Watergate. Ông Kissinger đã đầu tư thời gian và công sức vào việc đàm phán Hiệp định Hòa bình Paris, vốn có một số sai sót lớn. Ví dụ, các điều khoản hiệp định đã khiến tất cả các lực lượng đối phương ở miền Nam Việt Nam phải ngưng bắn.

Trong mọi trường hợp, Hà Nội ngay lập tức vi phạm hiệp định. Hoa Kỳ chỉ còn quan sát thôi. Đó là điều cần lưu ý khi đàm phán với Taliban, những kẻ cũng không đáng tin cậy như Hà Nội.

* Ông Stearman, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới bốn đời tổng thống, là tác giả cuốn sách “Một cuộc phiêu lưu của người Mỹ: Từ ban đầu làm viêc cho hàng không qua ba cuộc chiến, đến phục vụ trong Nhà Trắng”.


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *