2776. Từ Hội đồng Lý luận TƯ ‘thành lập mới’, nghĩ tới các Ban của ĐCS

BBC

  • Nguyễn Khắc Mai
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

30 phút trước

Đọc báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam đưa tin về Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản tuần này, nếu ai chưa theo dõi kỹ, hoặc đọc không hết câu chữ, có thể ‘giật mình’ với kiểu người ta đưa tin như thế này: “Thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026″.

Hội đồng này thành lập đã lâu tới nay đã đến mấy chục năm rồi, theo quyết định số 06-QĐ/TW, ngày 30-10-1996 của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Nay có nơi đưa tin mà bảo ra quyết định thành lập ‘mới’ thì không đúng.

Riêng về mặt chữ nghĩa như thế đã thấy không chính xác rồi. Phải nói rõ là Quyết định bổ nhiệm thành viên mới của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng này thì mới chuẩn hơn.

Thành ra, tôi tức cười khi đọc quyết định thành lập hội đồng này, cũng là chuyện chữ nghĩa ở nước ta bây giờ tùy tiện, dân giã lắm, kể cả chữ nghĩa ở trong luật.

Tôi nhớ, hồi mới thành lập hội đồng này, một anh bạn có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sỹ có tiếng tăm được cử làm ủy viên hội đồng đã nói rất hài hước rằng “đó là hội đồng lú lẫn Trung ương”, thế và mấy chục năm nay, chúng tôi vẫn gọi tên cái hội đồng ấy như vậy.

Trò chuyện với những ủy viên hội đồng, chúng tôi bảo họ như thế, họ cũng cười trừ, vui vẻ chấp nhận.

Lại nhớ, hồi nhỏ tôi từng học bài ngụ ngôn về Hội Đồng chuột, các thành viên chuột họp hội đồng để đối phó với anh mèo, ai nấy đều tán thành giải pháp “đeo chuông cổ mèo.”

Nhưng khi bàn xem ai là người đứng ra thi hành việc ‘lớn’ đó thì mọi người đều tìm cách lảng tránh. Về sau mấy chữ ‘hội đồng chuột’, và ‘treo chuông cổ mèo’ trở nên thành ngữ để chỉ những việc tào lao vô tích sự, vô bổ…

Hội đồng Lý luận Trung ương do Bộ chính trị thành lập, trong khuôn khổ thiết chế chính trị xã hội của Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo.

Theo ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng này đánh giá, thì nó rất có ích, hiệu quả. Đương nhiên là ông phải nói vậy. Mình thành lập nó ra mà lại nói nó chẳng có tích sự gì thì nghe sao cho đặng, thành ra nó là cách nói phải đạo mà thôi.

Bây giờ nghĩ lại nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, tôi gọi là anh Hiến, thế mà sâu sắc khi anh đã cho ra đời thuật ngữ “phải đạo”, mà đến nay nó đang trở thành nội hàm của triết lý của tư duy, mà thế giới đang sử dụng, nhất là ở Việt Nam.

Mô hình còn hợp lý hay không?

Theo tôi, về mặt mô hình cũng như vai trò, chức năng của Hội đồng, đây là một giải pháp cho thấy sự quẩn trí, lúng túng, chồng chéo và hình thức.

Thực vậy, trung ương đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều ban chuyên môn theo đánh giá của tôi là rất kém về năng lực nghiên cứu, kể cả Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nữa, họ không đủ sức đáp ứng những vấn đề lý luận cho Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương…, vậy nên từ 1996 đến giờ, vẫn cứ phải bày thêm một mâm cỗ mới sau bốn – năm năm một lần.

Cách đây một thời gian, tôi từng được chính Hội đồng Lý luận này mời tham gia một hội thảo với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng.”

Khi đó, tôi đã phát biểu rằng Ban Tuyên giáo, đáng ra là nơi khơi nguồn cho sáng tạo lý luận, lại là nơi duy trì sự trì trệ, kìm hãm sáng tạo. Ban Dân vận là nơi tôi từng làm việc nhiều năm, đúng ra là phải đỡ đầu cho sự ra đời và phát triển của xã hội dân sự, thì đây là nơi tránh né, không dám nghĩ, không dám nói về lĩnh vực quan trọng cơ bản của cái gọi là dân vận, mà nói theo giọng nói Nam Bộ ở Việt Nam thì chỉ là làm “dân dận”.

Còn Ban Tổ chức Trung ương theo tôi phải là nơi mở đường cho nhân tài nảy nở thì ở đó chỉ tạo ra cơ hội và cơ chế để mà người ta “làm quan phát tài ” từ khắp Trung ương đến các địa phương, kể cả xuống tới tận… phường xã.

Tôi còn nhớ lúc bấy giờ anh Trần Đình Hoan, một Phó Tiến sỹ ngành Toán từng làm Trưởng ban Tổ chức TW Đảng, khi đó anh mới về hưu và có mặt trong hội thảo, đã chắp hai tay trước ngực và vỗ nhè nhẹ tỏ ý tán thưởng ý kiến của tôi.

Nhưng từ đó họ cạch và không mời tôi tham dự gì nữa. Tôi nghĩ là họ có làm việc, nhưng theo lối như là một cỗ máy có tiêu hao nhiên liệu và năng lượng mà lại không có công suất, hiệu năng, hiệu quả, trong khi sản phẩm họ đẻ ra để chất đầy tủ kính và đút đầy các ngăn kéo!

Tình hình cũng không khác mấy với một số cơ quan tổ chức nghiên cứu mà dân hay gọi đùa là ‘ngâm cứu’ ở Việt Nam hôm nay.

Tôi nghĩ thật đáng buồn và đáng xấu hổ! Người ta cũng vung tay quá trán, ném tiền qua cửa sổ hàng trăm tỷ mỗi khóa là ít. Hãy thử nghĩ xem, những đồng tiền đó đều là tiền từ công quỹ, là tiền mồ hôi, nước mắt của người dân, doanh nghiệp đóng góp cả đấy!

Nghịch lý và cơ hội cho đổi mới tất cả?

Giá như ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ giao lại cái Hội đồng Lý luận Trung ương này cho dân, tôi nghĩ người dân, nếu vẫn còn sử dụng hội đồng này, sẽ chọn ra được những trí thức thứ thiệt ở cả trong đảng lẫn ngoài đảng Cộng sản để giải đáp cho dân những vấn đề thiết cốt nhất, để tìm lại cái”Nguyên Khí của quốc gia” mà đảng Cộng sản bao lâu nay đã làm cho mai một đi.

Tôi nghĩ, họ sợ và kỳ thị những Think tank thứ thiệt và thay vào đó là những Hội đồng, ban ngành kia, mà lúc nào cũng nói là của dân, do dân, vì dân, nhưng thực ra là của đảng, do đảng, vì đảng, thành ra danh bất chính nên ngôn không thuận.

Vừa rồi, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được giao nhiệm vụ tới phát biểu chỉ đạo trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới 2021-2026.

Những điều ông Thưởng thay mặt lãnh đạo đảng truyền đạt là những gì, chúng ta thử xem? Nào là “Phải có tầm nhìn chiến lược, phải khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm, năng lực tổng kết thực tiễn…”

Tôi cho rằng 50 người ngồi vào đấy là đã được chọn lựa kỹ càng, đã đeo sẵn cho họ mỗi người một cái ‘ốp’như cái ốp mà người ta vẫn dùng để che mắt ngựa, nếu không thì họ cũng tự sắm để đeo, hoặc có một cái vòng kim cô vô hình nào đấy ở trên đầu hội đồng.

Vì thế tôi hoài nghi về cái tầm nhìn chiến lược cũng như năng lực khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm mà ông Tổng Bí thư đặt ra cho có chuyện với cái hội đồng này, và không tài nào có thể sáng suốt khi vẫn còn giữ nguyên thể chế, chế độ này, vẫn đề cao một thứ chủ nghĩa đã lỗi thời này.

Tôi nghĩ, nếu thật sự vì dân vì nước kể cả vì đảng nữa, thì hãy đem những ngân sách chắt lọc từ đòng góp của dân ấy mà thuê những trí thức, những nhân lực của xã hội dân sự có chất lượng để người ta làm nghiên cứu, tư vấn, tham vấn chiến lược, chính sách, làm nghiên cứu đúng mô hình và tiêu chuẩn think tank quốc tế cho.

Nhưng nhân đây tôi cũng nhớ lại chuyện Giáo sư Hoàng Tụy, và nhóm trí thức, phản biện độc lập, đã cùng Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A tự bỏ tiền túi ra làm việc mà sau vẫn phải ‘tự giải tán’.

Thành thử sự mâu thuẫn ở đây là quốc doanh (đảng lãnh đạo, nhà nước cấp tiền) thì làm không tốt, mà dân sự (độc lập, tự chi phí) thì lại không cho, như thế càng luẩn quẩn, mong sao khai thông bế tắc.

Nhưng nếu cứ để như thế, chẳng thay đổi gì, như hàng chục năm vẫn các mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Dân Vận, Mặt Trận Tổ Quốc, Ban Tuyên giáo v.v…, thì chả nhẽ cái nước Việt Nam hình chữ S này nó sẽ cứ mãi mãi như thế?

Nếu không làm khác, đổi mới, cải tổ đi, thì liệu đất nước Việt Nam này bao giờ mới có điều mà người xưa nói ‘Nhật tân, nhật, nhật tân hựu nhật tân’, tức là ngày mới, ngày ngày mới lại mới nữa, hay là vẫn cứ là “gặp thời thế thế thời phải thế”, hay mỗi ngày vẫn cũ và lại cũ như xưa?

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN.


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *