2762. Việt Nam thở hổn hển khi Delta tung đòn chí mạng

Một nhân viên y tế đeo thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đang thu thập mẫu tăm bông từ một người đàn ông để xét nghiệm virus Covid-19 tại Hà Nội, vào ngày 20 tháng 8 năm 2021. Ảnh: AFP / Nhac Nguyen

Chuỗi chiến thắng Covid của Việt Nam đã bị đảo ngược đáng kể, với những tác động nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu

ASIA TIMES by DAVID HUTTSEPTEMBER 8, 2021

Ba Sàm lược dịch

Vào thời điểm này năm ngoái, Việt Nam là một người hùng của thế giới đánh bại Covid-19, đến mức nước này đã tặng khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) khác cho các quốc gia tiên tiến ở phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Việt Nam chỉ ghi nhận 1.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong trong cả năm 2020, một thành tích đáng kể đối với một quốc gia hơn 90 triệu người và là minh chứng cho các biện pháp ngăn chặn sớm và nghiêm ngặt, bên cạnh tâm chấn ban đầu của dịch bệnh ở Trung Quốc.

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm ngoái, nhờ xuất khẩu công nghiệp khẳng định vị trí ngày càng nổi bật của quốc gia này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng 7 năm nay khi đất nước chuyển từ câu chuyện thành công của Covid sang tình trạng cảnh báo do sự gia tăng các trường hợp chủ yếu do biến thể Delta rất dễ lây lan gây ra.

Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế phía Nam, đã bị đóng cửa trong nhiều tháng và người dân chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do đặc biệt. Thủ đô Hà Nội cũng đang trong tình trạng phong tỏa.

Hoạt động kinh doanh trên khắp đất nước bị đình trệ, với việc người lao động không thể đi làm và các chủ doanh nghiệp và nhà máy buộc phải tiến hành kiểm tra nhân viên thường xuyên.

Tính đến ngày 6 tháng 9, Việt Nam đã ghi nhận hơn 530.000 ca nhiễm, 13.385 ca tử vong và tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày tiếp tục tăng cao. Vào cuối tháng 8, Nikkei Asia đã xếp hạng Việt Nam ở vị trí cuối cùng, thứ 120 cùng với Thái Lan, trên Chỉ số phục hồi từ Covid-19.

Phần lớn điều này càng trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp của Việt Nam, với chỉ 18% dân số được tiêm một mũi vaccine và chỉ 2,8% được tiêm chủng đầy đủ – một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Á.

Người dân chờ cung cấp mẫu tăm bông để xét nghiệm Covid-19, dọc theo một con phố ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 8 năm 2021, trong bối cảnh chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Ảnh: AFP / Nhac Nguyen

Các nhà bình luận đang chia rẽ về việc ai là người phải chịu trách nhiệm chính. Một số người cho rằng chính phủ đã chậm mua vaccine vào đầu năm 2021 do thành công trước đó trong việc ngăn chặn đại dịch.

Những người khác khẳng định đó là sự kết hợp của tinh thần phản kháng dân tộc trước việc phải chấp nhận vaccine do Trung Quốc sản xuất và mong muốn của chính phủ nhằm phát triển vaccine sản xuất trong nước.

Trong khi thừa nhận những sai lầm nhất định, chính phủ Việt Nam đã tìm cách đổ lỗi cho sự gia tăng đột biến mới nhất về các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. “Các biến thể Delta đang phá hủy tất cả các thành tựu chống đại dịch,” Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Nguyễn Thanh Long, cho biết qua các bài báo trong nước.

Khi tình trạng y tế, sức khỏe xấu đi, các quan chức Việt Nam đang quay  ra cách làm lại từ đầu trong cuộc chiến với Covid.

Đầu tháng này, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, tâm điểm hiện tại của trận đại dịch của đất nước, đã xem xét mở cửa trở lại một số khu vực của thành phố từ ngày 15 tháng 9, như một phần của quá trình chuyển đổi từ chiến lược “không khoan nhượng” sang chiến lược “sống chung với Covid” .

Ngày càng có nhiều áp lực để đạt được sự cân bằng mới. Những tuyên bố sụp đổ và u ám đang khiến các nhà đầu tư quốc tế lớn, từ Samsung đến Nike, có thể rời bỏ đất nước nếu Covid không nhanh chóng được kiểm soát.

Điều đó sẽ đánh vào danh tiếng của Việt Nam gần đây có được như là công xưởng đáng tin cậy của thế giới, sau khi nhiều thương hiệu lớn trên toàn cầu thời gian quá đã chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam.

Hiện tại, những lo ngại các nhà đầu tư sẽ tháo chạy có thể bị quá mức, nhưng vấn đề trượt giá trong kinh tế do Covid gây ra là một nguy cơ đang gia tăng.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã báo cáo vào cuối tháng 8 rằng, làn sóng đại dịch mới nhất “đặt ra những rủi ro đáng kể” đối với dự báo trước đó, về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6% vào năm 2021, mặc dù vẫn có khả năng nền kinh tế sẽ tăng trưởng và không suy giảm trong năm nay.

Một nghệ sĩ đường phố vẽ bức tranh tường mô tả công nhân tiền tuyến chống Covid-19 dọc một con phố ở Hà Nội, vào ngày 15 tháng 6 năm 2021. Ảnh: AFP / Nhac Nguyen

Tổ chức trên cho biết thêm rằng nếu chỉ số GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2020 và 2021 được tổng hợp lại với nhau, thì quốc gia này vẫn được kỳ vọng là nước có hoạt động kinh tế tốt nhất ở Đông Nam Á.

Điều đó có thể giải thích tại sao đồng Việt Nam là một trong số ít các đồng tiền Đông Nam Á tăng giá so với đô la Mỹ trong năm nay. Đồng baht của Thái Lan đã giảm khoảng 8% so với đồng bạc xanh sau khi vượt trội hơn hầu hết các đồng tiền châu Á trong cả năm 2019 và 2020.

Các nhà phân tích dự đoán, vào một thời điểm nào đó, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được tỷ lệ nhiễm trùng gia tăng và chiến dịch tiêm chủng vốn bị chậm trễ sẽ nằm trong tầm kiểm soát và đi vào nề nếp, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải áp dụng chính sách mới liên quan tới đời sống hàng ngày, với một số lượng ca bệnh Covid có thể chịu đựng được mà không gây quá tải cho các cơ sở y tế.

Hơn nữa, những gì thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, trước khi đại dịch xảy ra vào tháng 1 năm 2020, vẫn còn hiện hữu, ngay cả khi quốc gia này có thành tích kém trong việc xử lý Covid trong những tháng gần đây.

Mối quan tâm toàn cầu trong việc tách chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ còn tồn tại và rõ nét vào năm 2022, khi Việt Nam có khả năng đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch tồi tệ nhất hiện nay.

Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia cởi mở nhất của châu Á đối với thương mại tự do, với mức thuế áp lên hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và các đối tác khác sẽ giảm đáng kể trong những năm tới, theo các hiệp định thương mại mới.

Dưới thời chính quyền Donald Trump, Việt Nam phải đối mặt với khả năng bị áp thuế trừng phạt để đáp trả việc Washington ấn định thặng dư thương mại lớn của mình. Năm 2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một chỉ định đe dọa trả đũa thương mại.

Nhưng những tranh chấp từ thời Trump này đã được xử lý dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, với việc hai bên đã đạt được một thỏa thuận dẫn đến không có hình phạt nào đối với Hà Nội vào đầu năm nay.

Các cuộc tranh luận sôi nổi và liên tục về việc làn sóng Covid mới đã làm xói mòn ra sao đến tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền, thứ luôn khó đo lường ở một quốc gia không có báo chí tự do.

Đảng xuất hiện nổi bật trong suốt năm 2020 khi thành công trong việc đưa cả quốc gia cùng nhau chống lại virus trong một tinh thần không sợ hãi và đoàn kết.

Những bất đồng quan điểm chống lại chủ nghĩa độc tài của đảng đã gia tăng trong thập kỷ qua, bao gồm cả trên mạng xã hội, nhưng nhiều nhà bình luận đã tán đồng về sự minh bạch và năng lực đặc biệt của Hà Nội trong việc đối phó với đại dịch vào năm ngoái, đã xây dựng được niềm tin mới trong dân chúng.

Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi điều tồi tệ nhất của đại dịch xảy ra ngay sau khi có sự thay đổi chính quyền trong vòng một năm tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào tháng Giêng.

Nhân dịp này, nhà kỹ trị Nguyễn Xuân Phúc được điều động lên đảm nhận vị trí nghi lễ chủ tịch nước, trong khi ông Phạm Minh Chính còn non kinh nghiệm đã lên kế vị chức thủ tướng.

Thủ tướng mới đắc cử của Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tặng bó hoa cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) trong kỳ họp mùa xuân của Quốc hội tại Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 2021. Ảnh: AFP / Vietnam News Agency / Stringer

Bất kể những rắc rối chính trị của đảng ở trong nước ra sao, thì hoàn cảnh hiện tại của Covid của Việt Nam đã khơi dậy sự hỗ trợ và từ thiện từ các đối tác quốc tế quan trọng, một dấu hiệu cho thấy danh tiếng toàn cầu của quốc gia này đã được củng cố chứ không bị suy yếu bởi những tai ương hiện tại.

Nửa tá quốc gia châu Âu bao gồm Anh, Đức, Ý và Ba Lan đã tặng riêng hàng trăm nghìn liều vaccine Covid-19 trong những tuần gần đây.

Chỉ riêng trong tháng 8, các nước châu Âu đã viện trợ ít nhất 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Ngày 3/9, Đức cam kết viện trợ thêm 2,5 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam.

Hoa Kỳ, hiện coi Việt Nam là đồng minh quan trọng ở châu Á, đã cung cấp ít nhất sáu triệu liều vaccine cho nước này vào cuối tháng 8, trong khi nó đã nhận được một trong những đợt vaccine đầu tiên do Mỹ viện trợ hồi tháng 7.

Nhật Bản và Úc cũng đã tài trợ vaccine cho Việt Nam, đây cũng là một trong những nước nhận liều lượng lớn hơn được cung cấp thông qua cơ sở COVAX, trong đó các quốc gia Hoa Kỳ và Châu Âu là nhà tài trợ phần lớn.

Sau khi Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam nhiều bình chứa oxy (đúng ra là 300 máy tạo và 100 tấn oxy – ND) vào ngày 1 tháng 9, đại sứ của nước này tại New Delhi, ông Phạm Sanh Châu, phát biểu: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này. Lúc hoạn nạn mới biết bạn hiền (A friend in need is a friend indeed).”

Một mặt khác, nhiều quốc gia cũng đang trả ơn trước lòng nhân ái mà Việt Nam đã thể hiện với họ vào năm 2020, khi đại dịch đã được kiểm soát ở Việt Nam nhưng vẫn hoành hành ở những nơi khác.

Vào đầu năm 2020, khi châu Âu là tâm chấn của đại dịch, Việt Nam đã tặng nửa triệu chiếc khẩu trang cho một số quốc gia châu Âu và 250.000 chiếc cho Mỹ. Vào tháng 4 năm ngoái, nước này đã tặng khẩu trang và các vật tư y tế khác trị giá 100.000 USD cho Nhật Bản.

Các hội hữu nghị của Việt Nam và các nhóm cộng đồng địa phương – một số trong đó là do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát – cũng đóng vai trò quan trọng trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong việc quyên góp tiền cho các nỗ lực cứu trợ.

Mặt khác, các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài có lợi ích riêng trong việc đưa Việt Nam đi vào con đường phục hồi nhanh chóng, do tầm quan trọng ngày càng tăng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 13 của Hoa Kỳ và lớn thứ 15 của EU.

Đối với nhiều nước phương Tây, Việt Nam là một địa điểm chiến lược để thúc đẩy “chính sách ngoại giao vaccine” của họ trong thế giới đang phát triển, trong bối cảnh những lời chỉ trích ngày càng tăng về việc các quốc gia giàu có tích trữ vaccine.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), nơi 270.000 liều vaccine Pfizer đã được đưa vào sáng sớm hơn, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2021. Ảnh: AFP / Evelyn Hockstein

Cho đến tháng 7, chính phủ Việt Nam đã từ chối nhận tài trợ vaccine từ Bắc Kinh, vì tình cảm chống Trung Quốc lan rộng trong nước, điều mà các quan chức ở Hà Nội lo ngại nó sẽ dẫn đến sự hoài nghi rộng rãi về vaccine.

Mặc dù Việt Nam hiện đã nhận một số vaccine từ Trung Quốc, nhưng phần lớn nguồn dự trữ hiện tại của nước này là bao gồm các liều do phương Tây sản xuất.

Campuchia, hiện tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất thế giới, lại phụ thuộc phần lớn vào vaccine do Trung Quốc sản xuất. Tương tự, cũng có các quốc gia Đông Nam Á khác, như Indonesia.

Biến khủng hoảng sức khỏe thành cơ hội ngoại giao, Hà Nội có vẻ sẵn sàng sử dụng thiện chí mà các đối tác quốc tế đã thể hiện để tăng cường liên minh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hiện đang công du châu Âu, đây là chuyến thăm đầu tiên của một chính khách Việt Nam kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trong khi đó, ông đặt mục tiêu giành được sự ủng hộ đối với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU, Hiệp định vẫn đang chờ hầu hết các quốc gia thành viên EU thông qua và có thể bị trì hoãn do lo ngại về nhân quyền.

Ngoài ra, vẫn có tin đồn rằng một chính trị gia cấp cao của Việt Nam, rất có thể là Chủ tịch Phúc, sẽ thăm Washington trong năm nay hoặc năm sau, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng kẻ thù chiến trường trước đây có thể nâng cấp quan hệ của họ lên thành “quan hệ đối tác chiến lược”.


Cùng tác giả:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *