2695. Biden có bị Việt Nam ám ảnh không? Ông ta có nên như vậy không?

Một nhân viên CIA giúp những người Việt Nam di tản lên trực thăng, từ nóc nhà số 22 đường Gia Long, cách Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn nửa dặm, vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. BETTMANN ARCHIVE / GETTY IMAGES

Tổng thống cho biết cuộc rút quân này sẽ không giống như những gì đã xảy ra vào năm 1975, nhưng có một số điểm tương đồng đáng chú ý

 FOREIGN POLICY by Michael Hirsh, a senior correspondent and deputy news editor at Foreign Policy – JULY 9, 2021

Ba Sàm lược dịch

Khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được hỏi trong một cuộc họp báo là liệu có bất kỳ sự so sánh nào giữa việc ông rút quân khỏi Afghanistan và việc Hoa Kỳ trốn chạy nhục nhã khỏi Việt Nam cách đây nửa thế kỷ hay không, câu trả lời của ông rất dứt khoát: “Không có gì cả. Số không.”

Tổng thống tiếp tục nói rằng vào đầu những năm 1970, khi Chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc, lực lượng của Bắc Việt Nam mạnh hơn nhiều so với Taliban ngày nay. “Chúng không thể so sánh theo kiểu rất mơ hồ về khả năng được,” ông nói. “Bạn sẽ không phải chứng kiến cảnh có trường hợp nào ​​mọi người được nhấc khỏi mái nhà của một tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Afghanistan.

Ông nói thêm, lực lượng an ninh Afghanistan do Hoa Kỳ hỗ trợ có sức mạnh 300.000 người và “được trang bị tốt như bất kỳ quân đội nào trên thế giới”. Và với một lực lượng không quân (Mỹ) cự địch với “một thứ như 75.000 quân Taliban,” ông nói thêm, “thì không thể có chuyện” chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ như chính phủ Nam Việt Nam trước đây.

Biden không bị đắm chìm nhiều vào lịch sử cuộc Chiến tranh Việt Nam. Là một thượng nghị sĩ trẻ vào năm 1975, ông đã bỏ phiếu chống lại bất kỳ viện trợ nào cho chính phủ đang sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Nhưng trái ngược với sự tan rã nhanh chóng của miền Nam Việt Nam, nhiều chuyên gia kỳ vọng một cuộc nội chiến kéo dài ở Afghanistan, một cuộc nội chiến có thể sẽ không được kết thúc trong ít nhất vài năm. Ngay cả khi Taliban thực sự tiếp quản đất nước một cách hiệu quả, tổng thống vẫn hy vọng rằng đến lúc đó, cuộc chiến sẽ không còn chiếm vị trí trên các tiêu đề nóng của báo chí và ông sẽ được tái đắc cử vào năm 2024.

Tuy nhiên, phải chăng Biden đã quá vội vàng khi gạt bỏ sự so sánh với Việt Nam?

Mặc dù được trang bị tốt hơn Taliban, các lực lượng quốc gia Afghanistan đã mất tinh thần, đã từ bỏ những vùng rộng lớn của đất nước, trong gần ba tháng kể từ khi Biden tuyên bố quyết định rút quân. Và nếu đổ máu ở Afghanistan gia tăng sau cuộc rút quân cuối cùng của Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 8 — như hầu hết mọi nhà quan sát đều cho là có khả năng xảy ra — thì “Việt Nam của Biden” có thể sẽ dễ dàng trở thành câu cửa miệng trước năm 2024, hoặc thậm chí giữa nhiệm kỳ năm 2022, khi đảng Cộng hòa tìm kiếm những điểm yếu trên tấm áo giáp của tổng thống.

Thậm chí ngày nay, nhiều nhà bình luận thuộc phe bảo thủ tin rằng việc Hoa Kỳ rút quân nhanh chóng khỏi Việt Nam đã khiến nước này thua cuộc, lần đầu tiên từ trước đến nay trong một cuộc chiến; và chính mũi tấn công đó có thể đã ám ảnh Biden.  

Tại phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện vào tháng 5, Hạ nghị sĩ Gerry Connolly, một đảng viên Đảng Dân chủ bang Virginia, cho rằng cuộc rút quân khỏi Afghanistan mang “một số điểm tương đồng kỳ lạ” với Việt Nam. “Có vẻ như trò chơi của Mỹ là cắt lỗ và rời đi và hy vọng vào điều tốt nhất – để cho đó không phải vấn đề của chúng ta,” ông nói.

Biden kịch liệt không đồng ý, nói rằng ông đã trấn an Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, tại hội nghị thượng đỉnh hai bên ở Nhà Trắng vào cuối tháng trước, rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp viện trợ đáng kể và khả năng quân sự “ngoài đường chân trời” (có nghĩa là lực lượng không xuất phát từ bên trong Afghanistan, rất có thể là máy bay không người lái và các loại hình không kích khác). “Tôi muốn làm rõ những gì tôi đã nói rõ với Ghani: rằng chúng ta sẽ không bỏ đi và không duy trì khả năng bảo vệ lực lượng đó của họ,” Biden nói.

Một số trợ lý lâu năm của Biden cho biết ông không bao giờ quá bận tâm về lá phiếu mà mình đã bỏ về Việt Nam vào năm 1975. “Tôi không nhớ Biden đã từng nhắc đến Việt Nam (ít nhất là với tôi) khi thảo luận về Afghanistan”, Jonah Blank, cố vấn về Afghanistan của Biden, đã viết trong một email. “Trọng tâm luôn là chống khủng bố và có thể làm gì để tạo ra một môi trường mà Afghanistan có thể tự chủ về an ninh và chính phủ có thể tự mình đảm nhận các nhiệm vụ [chống khủng bố]. Việt Nam không thực sự đóng khung cho việc này.” Một trợ lý lâu năm khác của Thượng viện, Michael Haltzel, cũng có ý kiến tương tự.

Văn bản ghi lại cuộc gặp ngày 14 tháng 4 năm 1975 với Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford và các thượng nghị sĩ khác tại Phòng Bầu dục cho thấy Biden, khi đó là một thượng nghị sĩ năm thứ nhất 32 tuổi, đã chống lại bất kỳ sự can dự tiếp tục nào ở Việt Nam, và thậm chí ông ta còn không muốn thông qua khoản tiền có thể giúp đưa các đồng minh cũ của Hoa Kỳ ra khỏi đất nước. “Tôi không chắc mình có thể bỏ phiếu cho một số tiền để đưa quân đội Mỹ vào trong, một đến sáu tháng, để giải cứu người Việt Nam,” ông nói. “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ số tiền nào để đưa người Mỹ ra ngoài. Tôi không muốn nó trộn lẫn với việc đưa người Việt Nam ra ngoài.” Vào ngày 25 tháng 4 năm 1975, Biden bỏ phiếu phản đối Đạo luật Dự phòng cho Việt Nam năm 1975, đạo luật này sẽ gửi các quỹ cứu trợ khẩn cấp cho miền Nam Việt Nam để được sử dụng một phần cho việc di tản. Tuy nhiên, một tháng sau, Biden đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết không ràng buộc (không ràng buộc pháp lý, chỉ mang tính hỗ trợ tinh thần – ND) “thể hiện ý thức của Thượng viện là hoan nghênh những người tị nạn mới nhất từ ​​Nam Việt Nam và Campuchia đến Hoa Kỳ,” và sau đó ông ủng hộ việc tái định cư của họ ở Hoa Kỳ.

Những người thuộc phái bảo thủ đã chỉ trích Biden về hồ sơ bỏ phiếu cho vấn đề Việt Nam. Trong cuốn sách năm 2018 When the Center Held: Gerald Ford and the Rescue of the American Presidency, Donald Rumsfeld – người vào tháng 4 năm 1975 là chánh văn phòng Nhà Trắng của Ford – đã chỉ ra Biden là một trong những thượng nghị sĩ đã ngăn cản tổng thống hoàn thành “trách nhiệm đạo đức của ông ấy để giúp những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc đàn áp.”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates, trả lời phỏng vấn trên đài NPR vào năm 2014, cũng gọi cuộc bỏ phiếu của Biden cho Việt Nam là một sự bội tín (breach of trust), và nói rằng đó là một lý do tại sao ông viết trong cuốn tự truyện của mình, Duty: Memories of a Secretary at War, rằng Biden đã “sai đối với gần như mọi chính sách đối ngoại lớn và vấn đề an ninh quốc gia trong bốn thập kỷ qua.”

Phó tổng thống (Biden), khi còn là thượng nghị sĩ – một thượng nghị sĩ rất mới – đã bỏ phiếu chống lại gói viện trợ cho miền Nam Việt Nam, trong khi đó là một phần của thỏa thuận khi chúng ta rút khỏi miền Nam Việt Nam để cố gắng giúp họ tồn tại,Gates nói.

Tuy nhiên, lần này, Biden ủng hộ việc giúp các đồng minh Afghanistan của Hoa Kỳ rời khỏi đất nước nếu họ muốn. Ông nói, Hoa Kỳ sẽ làm việc để “tái định cư về mặt vật lý hàng nghìn người Afghanistan và gia đình của họ trước khi nhiệm vụ quân sự của Hoa Kỳ kết thúc để, nếu họ chọn, họ có thể chờ đợi an toàn bên ngoài Afghanistan, trong khi thị thực Hoa Kỳ của họ đang được xử lý. … Có một ngôi nhà cho bạn ở Hoa Kỳ nếu bạn chọn, và chúng tôi sẽ sát cánh với bạn cũng như bạn đã ken vai cùng với chúng tôi. ” (Song đây lại không phải là một thỏa thuận đã được thực hiện: Mặc dù hôm thứ Năm, Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bắt đầu các chuyến bay sơ tán cho những người Afghanistan nộp đơn xin thị thực đặc biệt, ngay trong tháng này, nhưng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vẫn đang làm việc để xác định quốc gia nào chấp nhận cho 18.000 phiên dịch viên và gia đình của họ, những người vẫn phải đối mặt với những công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm.)

Biden nói thêm rằng “khả năng Taliban sẽ tràn tới tàn phá mọi thứ và sở hữu toàn bộ đất nước là rất khó xảy ra.

Các nhà quan sát khác, chẳng hạn như cựu Đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ Husain Haqqani, đồng ý rằng sự kháng cự chống lại Taliban ở Afghanistan vẫn mạnh hơn nhiều so với lực lượng còn sót lại và kháng cự với những người cộng sản Bắc Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. “Taliban chỉ lên nắm quyền sau khi Liên Xô sụp đổ và ngừng gửi tiền cho chính phủ Kabul. Và Liên minh phương Bắc đã chiến đấu với Taliban trong nhiều năm. …”.

Mặc dù vậy, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan Ryan Crocker, trong số những người chỉ trích kế hoạch rút quân ở Biden, cho biết bằng cách ra đi quá vội vàng, Hoa Kỳ đang giao nộp hầu hết các thông tin tình báo hữu ích về đất nước này— cũng chính là quốc gia đã dung dưỡng cho al Qaeda trước ngày 9/11. Giám đốc CIA của Biden, William Burns, đã xác nhận vào tháng 4, rằng khả năng của Hoa Kỳ trong việc hành động chống lại các mối đe dọa cực đoan xuất hiện ở Afghanistan sẽ giảm đáng kể khi lực lượng Hoa Kỳ rời đi. “Khi đến thời điểm quân đội Hoa Kỳ rút quân, khả năng tập trung và hành động của chính phủ Hoa Kỳ đối với các mối đe dọa sẽ giảm đi. Đó chỉ đơn giản là một sự thật, ” Burns nói.

Crocker và các nhà phê bình khác cũng tin rằng thỏa thuận khung của Biden với Taliban có những điểm tương đồng khó chịu với những gì chính quyền Nixon đã làm khi gạt bỏ chính phủ miền Nam Việt Nam trong Hiệp định Hòa bình Paris với Bắc Việt Nam. Cũng giống như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã làm với chính quyền Sài Gòn, người Mỹ chỉ thương lượng với kẻ thù ở Afghanistan và chỉ cung cấp chút ít trên đầu môi chót lưỡi cho chính phủ Afghanistan. (Trong một bức thư riêng năm 1972, Nixon cảnh báo Tổng thống miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Thiệu, rằng việc ông Thiệu từ chối ký hiệp định hòa bình đã đàm phán với miền Bắc sẽ khiến việc tiếp tục hỗ trợ của Hoa Kỳ cho miền Nam Việt Nam là không thể. Thái độ cộc cằn đó được lặp lại trong một bức thư Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi cho Ghani vào tháng 3, đưa ra các điều kiện mà Ghani cần tuân theo và yêu cầu ông chia sẻ quyền lực với Taliban trong một chính phủ “mới, bao trùm tất cả“.)

Crocker cho biết những gì chính quyền Trump đã bắt đầu và những gì Biden tán thành là sự phản bội đối với người được bầu một cách dân chủ – dù là hơi mất uy tín – chính phủ Afghanistan mà Washington từng ủng hộ là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của đất nước. “Biden trội hơn Trump (trong trò này),” Crocker nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi cá với bạn rằng đó là lần cuối cùng Tổng thống Ghani được gặp Tổng thống Biden.

“Bạn không muốn so sánh với Việt Nam quá nhiều,” Crocker nói thêm. “Tôi không dự đoán sẽ có một sự sụp đổ ngay lập tức và toàn bộ. Lực lượng an ninh Afghanistan đã thể hiện một sự kiên trì đáng kinh ngạc bất chấp thương vong khủng khiếp. … Nhưng có cách nào để tôi có thể thấy quá trình này diễn ra mà không phải đổ thêm nhiều máu”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *