2638. Phong trào Black Lives Matter thất bại trong quan điểm về Cuba

Đất nước đó không phải là một bức tranh trống rỗng để những người Mỹ có thể trình bày những ý tưởng chính trị của họ.

The Atlantic by Jorge Felipe Gonzalez – JULY 18, 2021

Ba Sàm lược dịch

Chủ nhật tuần trước, những người Cuba ở một thị trấn nhỏ cách Havana 16 km đã tràn ra các đường phố để biểu tình chống lại chính phủ. Tình trạng bất ổn nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, làm bùng lên các cuộc biểu tình trên khắp hòn đảo, đánh dấu làn sóng phản đối toàn quốc, lần đầu tiên như vậy ở nước cộng sản này trong nhiều thập kỷ qua.

Hôm thứ Năm, Black Lives Matter Global Network Foundation, tổ chức hàng đầu trong phong trào Black Lives Matter (BLM), đã đưa ra một tuyên bố nói rằng tình trạng bất ổn là do sự “đối xử vô nhân đạo của chính phủ liên bang Hoa Kỳ đối với người Cuba.” BLM kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ, theo đó, điều này làm xói mòn “quyền của người dân Cuba trong việc lựa chọn chính phủ của họ” và là sự trừng phạt đối với “cam kết về chủ quyền và quyền tự quyết” của Cuba.

Thoạt nhìn, tuyên bố có vẻ như để báo hiệu sự đoàn kết với những người biểu tình, nhưng BLM thực sự đang lặp lại lời của các quan chức Cộng sản khi nó đổ lỗi cho cuộc nổi dậy là do Hoa Kỳ. Và điều đó chính là làm mất điểm của các cuộc biểu tình.

Trước sự ngạc nhiên của cộng đồng Da đen ở Cuba và những người sống lưu vong, tổ chức BLM đang bỏ qua những gì đã gây ra các sự kiện trong nhiều năm qua, đó là việc chính quyền Cuba chối bỏ một cách có hệ thống các quyền đối với người dân của mình, điều kiện vật chất nghèo nàn, sự bất bình đẳng gây ra cho tất cả người dân Cuba, nhưng lại còn không tương xứng với những người Cuba gốc Phi, là những người đi đầu trong các cuộc biểu tình rộng khắp hiện nay.

Cuba không phải là một bức tranh trống rỗng để người Mỹ có thể phóng chiếu các ý tưởng chính trị của họ, và không phải là một phương tiện không tưởng để thúc đẩy một ảo tưởng bình đẳng xã hội chủ nghĩa; nó cũng không phải là một con tốt cho các cuộc tranh luận chính trị mang tính cơ hội. Ở Cuba, nơi tôi lớn lên và tôi đã phải từ bỏ vào năm 2013 để tìm kiếm tự do, nỗi đau khổ không phải là lời nói khoa trương.

Sự đồng cảm mà BLM thể hiện đối với chính phủ Cộng sản Cuba đã được thấm nhuần trong sự cảm nhận về Cuba của những năm 1980’ — và nước Cuba đó nay không còn tồn tại nữa.

Giống như Hoa Kỳ, Cuba có một lịch sử nô lệ lâu dài, sau đó là nhiều hình thức phân biệt chủng tộc mang tính chất thể chế nhà nước.

Cuộc cách mạng Cộng sản Cuba năm 1959 đã mang lại cơ hội kinh tế xã hội cho những người Cuba da đen và mang chủng tộc pha trộn. Các nguồn lực từ Liên Xô cũ đã giúp thúc đẩy nền kinh tế và giảm bớt tình trạng bất bình đẳng có tính lịch sử.

Cuba dưới thời Fidel Castro là một chế độ độc tài, nhưng cũng đúng là nó có sự công bằng về chủng tộc trong giáo dục, trong tuổi thọ người dân và việc làm đã được cải thiện một thời gian trong nhiệm kỳ của ông ta.

Tuyên bố chính thức của BLM chỉ ra rằng chính phủ Cuba đã hành động trong tình đoàn kết với những người Da đen từng bị áp bức trong lịch sử, bao gồm việc yêu cầu tị nạn chính trị cho công dân Mỹ Assata Shakur (*), một cựu thành viên của Quân giải phóng Da đen, và hỗ trợ các nước châu Phi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ. Đó là quan điểm của họ.

Tuy nhiên, Cuba mà Shakur đến cư trú vào năm 1984 không còn tồn tại nữa. Vào đầu những năm 1980, người ta có thể nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa độc tài của chế độ Castro, như nhiều người đã thể hiện. Bởi xét cho cùng, với trợ cấp của Liên Xô, người dân Cuba được sống trong điều kiện vật chất tương đối bình đẳng. Họ được tiếp cận miễn phí với nền giáo dục công có chất lượng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyệt vời.

Giờ đây, chế độ Cuba lý tưởng mà BLM ca ngợi đã biến mất từ ​​lâu, nếu như quả thực nó đã tồn tại.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế Cuba cũng tàn tạ theo.

Trong giai đoạn được gọi là “thời kỳ đặc biệt” vào đầu những năm 1990’, người dân Cuba phải đối mặt với tình trạng phổ biến phải chia khẩu phần lương thực và thiếu năng lượng trầm trọng. Dưới những áp lực khác nhau, Castro cho phép lưu hành đô la Mỹ thông qua chuyển tiền và du lịch. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đã cho phép người Cuba điều hành các doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Tuy nhiên, trong thời kỳ chủ nghĩa tự do kinh tế này, sự bất bình đẳng về chủng tộc ở Cuba lại nổi lên.

Kiều hối và du lịch là những nguồn thu nhập quan trọng nhất của chính phủ. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong các đấu trường này là rõ ràng. 60 đến 90% hộ gia đình da trắng có một số người thân sống ở nước ngoài; đối với những người không da trắng, con số này thấp hơn nhiều, vào khoảng 30 đến 40%. Những con số thống kê đó có nghĩa là ngoại tệ vào Cuba chủ yếu mang lại lợi ích cho người Cuba da trắng.

Những người Cuba da đen không có người thân sống ở nước ngoài được ấn định làm việc trong nền kinh tế do nhà nước quản lý với mức lương thấp; trên thị trường chợ đen; hoặc trong khu vực tư nhân mới nổi. Như giáo sư Đại học Harvard, Alejandro de la Fuente đã chỉ ra, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân phân biệt đối xử với những người xin việc là người da đen, một định kiến ​​có thể thấy được trong ngành du lịch.

Thật không may, sự bất bình đẳng đã trở nên tồi tệ hơn. Sinh viên ở các trường đại học ở Cuba ngày nay đa số là người da trắng hoặc da sáng màu; ví dụ, chỉ có 4,8% là da đen hoặc nâu tại Đại học Havana. Tỉ lệ số tù nhân có màu đen cũng không cân xứng. Những khu dân cư da đen là nơi nghèo nhất ở Havana. “Trong khi 58% người Cuba da trắng có thu nhập dưới 3.000 đô la,” theo De la Fuente cho biết trên The New York Times, “thì trong số những người Cuba gốc Phi, tỷ lệ đó lên tới 95% trăm.”

Mặc dù chắc chắn lệnh cấm vận đã đóng một vai trò nào đó trong các cuộc khủng hoảng kinh tế của Cuba, nhưng trở ngại chính đối với sự phát triển và thịnh vượng của Cuba là mô hình của chính phủ với nền kinh tế do nhà nước kiểm soát; một hệ thống mà trong đó người dân Cuba không thể hiện thực hóa nghị lực kinh doanh của họ, trong đó là một chế độ trị an thường xuyên cản trở người Cuba da đen, và trong đó rất khó tìm thấy những vật dụng hàng ngày.

Không có gì ngạc nhiên khi các khu dân cư chủ yếu là người Da đen của Havana, những khu vực bị bỏ quên nhất trong thành phố, lại là tâm điểm của các cuộc biểu tình lớn nhất gần đây, theo như các cảnh quay video cho thấy. Ở một vài nơi trong số đó, chẳng hạn như La Güinera, Centro Habana, Diez de Octubre, Cerro và La Habana Vieja, chúng tôi đã chứng kiến ​​các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát và các nhân viên chính phủ đóng giả là dân thường. Kết quả là, những người Cuba da đen, cùng với đồng bào thuộc mọi chủng tộc, bị đánh đập tàn bạo và bỏ tù vì biểu tình phản đối. Chính phủ công khai gọi họ là “côn đồ” và “tội phạm”, trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Chính phủ Cuba đã chính thức thừa nhận cái chết của Diubis Laurencio Tejeda, một thanh niên da đen đến từ La Güinera, trong cuộc đối đầu với cảnh sát.

BLM chắc chắn có vai trò ở Cuba. Nhưng mục đích của nó khi đưa ra bản tuyên bố lại không liên quan gì đến bản thân Cuba. Tổ chức này đang sử dụng phong trào Cuba để chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ và chính sách đối ngoại của họ. Nó ca ngợi cựu Tổng thống Barack Obama vì đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Cuba, mà người kế nhiệm của ông sau đó đã đảo ngược, và chính quyền Biden đã chậm sửa đổi.

Người Cuba – và đặc biệt là người Cuba da đen – đang phải chịu đựng đau khổ. Hệ thống tư pháp Cuba đang truy tố những người biểu tình với mức án lên đến 20 năm. BLM, cũng như tất cả các tổ chức, nên biết rằng người dân Cuba cũng không thể thở được. Cuộc sống của người Cuba da đen cũng rất quan trọng; quyền tự do của tất cả người dân Cuba phải được coi trọng. Để nhắc lại lý do tồn tại đã nêu của tổ chức này, không ai được tự do cho đến khi tất cả chúng ta đều tự do.

Jorge Felipe-Gonzalez là trợ lý giáo sư lịch sử tại Đại học Texas ở San Antonio.

Ghi chú:

+  Assata Shakur (Wikipedia): là một phần tử khủng bố nội địa người Mỹ và là cựu thành viên của Quân đội Giải phóng Da đen (BLA), kẻ đã bị kết án trong vụ giết người cấp độ một đối với quân nhân Werner Foerster, trong một vụ xả súng ở New Jersey Turnpike năm 1973. Shakur bị FBI truy nã và treo thưởng 2 triệu đô la …  


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *