2517. Việt Nam: Dân ‘được’ thúc giục đi bầu với rừng tin nhắn

BBC

20 tháng 5 2021

Muốn hay không, người Việt Nam trong mùa bầu cử vẫn phải nhận được những thông điệp như:

”Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân…”

Xuất hiện dày đặc trên công cụ tuyên truyền, mà giờ đây chính là điện thoại, máy tính của dân. Tuyên truyền đến tận giường ngủ có thể bị coi là quấy rầy và hành vi này có thể vi phạm quyền riêng tư.

Nhưng ít ai biết những người chủ trương có hay không để ý tới cảm xúc, suy nghĩ của “cử tri”.

Ai trả tiền cho rừng tin nhắn?

Viết trên trang cá nhân, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh nêu: “Liên tục nhận tin nhắn “yêu cầu sáng suốt” trên mọi điện thoại, làm mình buộc phải tin là cái hội đồng này nghĩ dân ngu lắm.”

Bà đặt câu hỏi: ”Tiền gửi chỗ tin nhắn này ai chịu nhỉ? Ứng viên tự bỏ tiền vận động tranh cử như các nước thì tuỳ chứ lấy tiền thuế mình đóng là mình hổng chịu đâu!”

”Tiêu pha kiểu này là “sáng suốt” hay “tối suốt”?” và trích dẫn trong phần bình luận: “chúng ta những ngày gần đây nhận nhiều lần tin nhắn từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia có yêu cầu sáng suốt lựa chọn đại biểu quốc hội.”

“Việt Nam có khoảng 127 triệu thuê bao (6/2020). Mỗi thuê bao nhận đc từ 2-3 tin nhắn, mỗi tin nhắn tiếng Việt có dấu có độ dài bằng 3 tin thường, trung bình mỗi tin là 300d. Vậy vị chi ta có 127000000x3x3x300 ~bằng 343.000.000.000 (ba trăm bốn ba tỉ).”Và kết luận rằng: “Số tiền này đủ xây dựng gần 700 trường học khang trang cho trẻ em vùng cao.”

Khác với những kỳ “bầu cử” trước, khi “cử tri” không có mạng xã hội và internet, giờ đây, họ có thể phát biểu, ít nhất là để bạn bè nghe thấy họ nghĩ gì, cảm xúc ra sao.

Khi nhận ra mấy lần thông tin sai trên thẻ cử tri, một công dân mạng ẩn danh nói trên trang cá nhân:

“Hôm trước từ chối nhận Thẻ cử tri vì trên đó ghi sai tên, sai ngày sinh, sai giới tính và sai địa chỉ. Hôm nay nhận lại cái thẻ mới: tên đúng 100% rồi nhưng ngày sinh, giới tính và địa chỉ vẫn sai.”

“Bảo sao cứ phải liên tục nhắc nhau sáng suốt…”

Thế là có phản hồi: ”Có thể họ thực sự nghĩ là nó chả quan trọng gì nhưng đã là công việc, cũng phải giả vờ mà nghiêm túc chứ.”

‘Thế nào là sáng suốt lựa chọn?’

Bày tỏ suy nghĩ của mình ông Trần Tuấn, Tiến sĩ Dịch tễ học và Sức khỏe Dân số, đặt câu hỏi và tự trả lời:

“Thế nào là sáng suốt lựa chọn?”; “Theo tôi, là suy nghĩ và ra quyết định rất nhanh, rất trúng, loại đúng đối tượng, chọn đúng người phù hợp!”

“Mục tiêu, không để lọt kẻ xấu có cơ hội chui vào hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt với cấp cao nhất trong bậc thang quyền lực: Quốc hội.”

Ông Tuấn cho rằng phải có tiêu chí đánh giá cụ thể.

Để nhận diện “kẻ xấu” phải nhận ra: “Trong quá khứ công tác hay hiện tại, ứng viên từng là thành viên, hoặc đã có biểu hiện một cách hệ thống trên các diễn đàn chính sách, truyền thông đứng ra bảo vệ lợi ích, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thủ lợi, phi nhân bản.”

Ông cũng giải thích khái niệm “thủ lợi” mà ông đề cập là: “vì lợi nhuận, họ thường xuyên “vi phạm đạo đức” quảng cáo “phi bằng chứng khoa học” và bất chấp luật pháp chính sách, đưa sản phẩm tới các đối tượng trẻ em, gây thiệt thòi cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ”.

Bầu cử đúng nghĩa là một việc trọng đại và thực sự khó khăn, có nhiều thông tin, nghi vấn cần xác minh. Một danh khoản tên là Yen Nguyen đặt câu hỏi:

“Làm sao biết được ai làm gì trước đây hả bác? Phường đưa cho một xấp tiểu sử, toàn kể các vị trí công tác đã qua, có nói gì đến chuyện chính kiến của họ về cái gì đâu. Trang sau thì toàn hứa với cam kết nếu trúng (mà dự là chả có mấy cái cam kết làm được).”

Bạn Cuong Tran nêu: “Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Đảng đã chọn dân bầu không đủ phiếu cũng trúng. Cả đợt họp không phát biểu phản đối gì, mà nếu có nói thì nói chung chung. Không hiểu gì cả, những đại biểu có trình độ giám đề xuất nói thắng, trúng vấn đề thì khóa này ko ứng cử… đi bầu theo phong trào cho cho vui thôi.”

Tuy nhiên, khi sang các trang cộng đồng khác, đặc biệt là những trang của đoàn thanh niên, các “lực lượng” khác thì không khí náo nức lan tỏa hơn.

Bạn Nguyencanh Nam viết: “Có năng lực là ủng hộ hết. Lớp trẻ sẽ có một số ý kiến thay đổi tư duy của lớp cũ làm cho đất nước ngày càng đi lên và hùng mạnh.”

”Ủng hộ các ứng viên trẻ, người có tên là Phan Tuân nói: “Đội ngũ trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức chuyên sâu, tầm nhìn sâu và rộng là ủng hộ!”

Chỉ còn ba ngày nữa, 23 Tháng Năm, kỳ bầu cử Quốc hội lần thứ 15, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành trên khắp Việt Nam.

Cơ quan tuyên truyền nhà nước gọi đây là “Ngày hội toàn dân”, đi bầu ”vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ” của mọi người dân Việt Nam.

Đã nhiều chục năm, nhiều kỳ bầu cử cơ quan tuyên truyền Việt Nam kêu gọi cử tri “sáng suốt”.


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *