
EAST ASIA FORUM – Author: Hai Hong Nguyen, UQ – 20 May 2021
Ba Sàm lược dịch
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã hoàn thành một cuộc cải tổ lớn trong toàn bộ bộ máy chính trị của đất nước, bao gồm bộ máy đảng, chính phủ và quốc hội. Việc cải tổ sau khi kết thúc Đại hội 13 vào tháng 2 năm 2021.
Trước Đại hội, tính liên tục của chiến dịch chống tham nhũng ở cấp cao của ĐCSVN là không rõ ràng. Nó được dẫn dắt bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người từng được cho là sẽ từ chức vì tuổi cao và sức khỏe yếu. Nhưng Trọng đã chiến thắng số mệnh khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp việc bầu cử ông đã vi phạm các quy tắc của ĐCSVN. Sau khi trao lại quyền chủ tịch nước cho cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Trọng hiện đang rảnh tay tập trung vào việc củng cố quyền lực của đảng, mặt khác chống tham nhũng và làm trong sạch đảng.
Là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương từ năm 2013, ông Trọng đặt tên cho công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam là Đốt Lò. Những nỗ lực của Trọng trong tám năm qua đã mang lại cho ông ấy danh tiếng là người thợ nung lò cừ khôi. Chưa bao giờ trong lịch sử 91 năm của ĐCSVN lại có nhiều quan chức bị kỷ luật, khai trừ đảng, bỏ tù vì liên quan đến tham nhũng.
Đến cuối năm 2020, hơn 11.700 vụ án tội phạm kinh tế đã được điều tra, truy tố và đưa ra tòa án xét xử sơ thẩm. Trong đó bao gồm 1900 vụ tham nhũng liên quan đến 1400 nghi phạm. Hơn 800 người, bao gồm một ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị, bảy thành viên cũ và đương nhiệm của ủy ban trung ương, bốn cựu bộ trưởng và bộ trưởng đương nhiệm và bảy tướng quân đội và công an – có liên quan đến gần 90 vụ tham nhũng và sai phạm kinh tế – đã bị kết án.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội 13, ông Trọng cho biết cuộc chiến tham nhũng cho đến nay cần được coi là một chiến lược “ngăn chặn và phòng ngừa là chính” và sẽ phải đối mặt với những thách thức trong tương lai.
Chống tham nhũng trong nhà nước độc đảng của Việt Nam không đơn giản và nó được coi là một mối đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ ĐCSVN. Nó vướng vào cấu trúc thể chế, trong đó các quy tắc của Đảng thay thế hiến pháp và luật, và các tòa án pháp lý tuân theo các quyết định của Đảng. Các vụ án tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc được ĐCSVN định nghĩa là “vụ án lớn”, thường liên quan đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng chính trị và có thể liên quan đến các nhân vật của chế độ ở cấp cao nhất. Trọng thích chống tham nhũng theo kiểu đánh chuột nhưng không làm vỡ bình.
Dư luận đang chú ý đến việc Trọng và 18 thành viên Bộ Chính trị mới sẽ quyết định số phận của “ba con cá lớn” và các cựu thành viên Bộ Chính trị: cựu trùm đảng Hà Nội Hoàng Trung Hải, cựu trùm đảng TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Cả ba người này đều bị kỷ luật vào năm ngoái.
Trước Đại hội 13, Hoàng Trung Hải và Bình đã bị cảnh cáo, không cho tái cử vào Bộ Chính trị khóa mới. Lê Thanh Hải thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015.
Hoàng Trung Hải phải chịu trách, nhiệm trong thời gian làm Phó thủ tướng, về việc chỉ đạo đối với dự án hợp tác giữa Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Tập đoàn luyện kim của Trung Quốc, gây thất thoát hàng trăm triệu USD. Tin đồn nói rằng ông Trọng không thể trừng phạt Hoàng Trung Hải vì gốc gác người Hoa và mối liên hệ với chính quyền ở Bắc Kinh. Trong vai trò là thống đốc ngân hàng nhà nước, Bình đã đưa ra những quyết định trái pháp luật và trái với quy định của chính phủ, gây thất thoát lớn cho nguồn thu của quốc gia.
Cả Hoàng Trung Hải và Bình đều là thành viên nội các do cựu thủ tướng khét tiếng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Nếu không có sự chấp thuận và chống lưng của Dũng, Hải và Bình đã không thực hiện được những hành vi sai trái này. Trước hoặc sau khi đưa ra các quyết định quan trọng với tư cách thành viên nội các, Hải và Bình đều tham khảo ý kiến và báo cáo với Dũng. Việc trừng phạt họ thêm nữa sẽ là một thách thức đối với Trọng.
Với biệt danh “Bố già TP HCM”, Lê Thanh Hải dính vào dự án phát triển bất động sản nhiều tỷ đô, chịu trách nhiệm khiến hàng nghìn cư dân sống trong cảnh khốn khó. Mạng lưới sâu rộng của Hải trong khu vực công và tư nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt – Hoa, mà một số người tin rằng đóng vai trò như một “thế lực tiềm ẩn”, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Đốt Lò của Trọng đã thất bại trong việc trừng phạt Hải vì lý do này, mặc dù một số dấu hiệu cho thấy ông ta sẽ không từ bỏ. Ngày 7 tháng 4 năm 2021 tại cuộc họp do Trọng chủ trì, Ban Bí thư ĐCSVN đã khai trừ đảng đồng minh thân cận của Hải, là Tất Thành Cang sau khi ông ta bị bắt và giam giữ vào năm 2020.
Trọng đã nhiều lần tuyên bố chống tham nhũng. Đã giao lại chức chủ tịch nước cho Phúc, nên giờ đây ông ta rảnh tay để làm việc đó. Nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được liệu Trọng có tóm được ba con cá lớn hay không.
Hai Hong Nguyen là Cộng tác viên Nghiên cứu tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Queensland.
Liên quan: