Đôi lời: công cuộc “đốt lò” xem ra còn nhiều gian khó, khi các nghi can, kẻ thì nhanh chân … di tản nước ngoài (cố bắt lại … lại thêm tai hại), kẻ đen đủi hơn thì … ngỏm trước khi bị khởi tố/xét xử. Dưới đây xin dẫn hai vụ án lớn đang chuẩn bị ra tòa. BS
Một bị cáo trong đại án Nhật Cường chết trước ngày xét xử
Thứ tư, 5/5/2021 09:16 (GMT+7)
Hai tuần trước khi phiên xử diễn ra, bị cáo Mai Tiến Dũng, một trong 15 người liên quan đại án Nhật Cường, đã chết do trọng bệnh.
Sáng 5/5, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử 15 bị cáo liên quan vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc. Đây là một trong 5 đại án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm.
Khi làm thủ tục, HĐXX thông báo nhận được giấy báo tử của bị cáo Mai Tiến Dũng (38 tuổi, Trưởng ngành hàng điện thoại cũ của Công ty Nhật Cường) đã chết ngày 23/4 tại Bệnh viện E ở Hà Nội do trọng bệnh. Căn cứ các quy định của pháp luật, HĐXX quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Mai Tiến Dũng.

Theo cáo buộc, từ năm 2016, Dũng được Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cho tham gia trao đổi, thống nhất mua bán điện thoại cũ từ các nhà cung cấp nước ngoài. VKS xác định bị cáo Dũng đã giúp sức để Tổng giám đốc Bùi Quang Huy và các bị cáo khác buôn lậu hơn 1.500 điện thoại, iPad có tổng trị giá trên 45 tỷ đồng.
Sáng nay, 14 bị cáo còn lại đều có mặt. HĐXX triệu tập 12 nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cùng giám định viên tư pháp.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (đang trốn truy nã quốc tế) chỉ đạo các bị cáo là nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện giao dịch, mua bán trái phép hơn 255.000 sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh…
Để tuồn số hàng lậu trên vào Việt Nam, Huy chi hơn 72 tỷ đồng để thuê 9 đường dây buôn lậu xuyên quốc gia. Tổng giá trị các lô hàng lậu được xác định trên 2.900 tỷ đồng. Hàng hóa được đưa qua đường hàng không, đường bộ và đường biển.
Trong gần 5 năm, các bị can thông qua hệ thống cửa hàng của công ty đã tiêu thụ trót lọt hơn 250.000 sản phẩm, thu lợi 221 tỷ. Đến khi đường dây bị phanh phui, công ty còn 947 sản phẩm (trị giá 7,7 tỷ) chưa bán ra thị trường.

Bùi Quang Huy bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, số liệu về vốn, doanh thu và lợi nhuận được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ. Còn phần mềm MISA dùng để lưu trữ số liệu về báo cáo thuế, báo cáo tài chính để kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước.
VKS đánh giá việc các bị can dùng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu doanh thu thật. Hành vi trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Bị can Bùi Quang Huy giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu, tổ chức hoạt động buôn lậu. Các bị can còn lại đã cấu kết, đồng phạm giúp sức cho bị can Huy thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với hành vi có dấu hiệu rửa tiền, do tổng giám đốc Công ty Nhật Cường đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tách để xử lý sau. Ngoài ra, ngày 7/1, cơ quan chức năng cũng tách vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị để tiếp tục điều tra.
Nghi vấn 106 tỷ đồng bảo kê M88 bị chuyển ra nước ngoài
Chủ nhật, 2/5/2021
Nguyễn Minh Đạt, cầm đầu đường dây đánh bạc M88 khai đã chuyển hơn 140 tỷ đồng cho cảnh sát để được bảo kê, song khoảng 106 tỷ đã bị chuyển ra nước ngoài.
Thông tin được nêu trong cáo trạng truy tố 2 cựu cán bộ Phòng phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) là Trần Xuân Linh, 42 tuổi và Trần Quang Việt, 36 tuổi về tội Môi giới hối lộ. Số tiền phạm tội là 38 tỷ đồng. Vụ án sắp được TAND TP HCM đưa ra xét xử.
Theo cáo trạng, năm 2011, Nguyễn Minh Đạt, 36 tuổi, móc nối với hai người đàn ông Đài Loan là A Phong, A Kiệt để điều hành đường dây cá cược trực tuyến tại Việt Nam trên trang mạng cá độ M88gin.com (M88) – máy chủ đặt ở nước ngoài. Đạt có nhiệm vụ mở tài khoản ngân hàng làm tài khoản đại diện của M88 để nhận tiền từ người chơi chuyển vào, hưởng hoa hồng 0,4 -0,7%.
Muốn M88 không bị đánh sập, năm 2014, A Phong và A Kiệt đề nghị Đạt kiếm người của cơ quan chức năng Việt Nam có thể giúp những tài khoản đại diện trang này không bị phong tỏa, hoặc nếu phong tỏa thì báo để họ rút tiền trước. Chi phí cho việc bảo kê này là 60.000 USD mỗi tháng. Đạt sau đó tìm Trần Xuân Linh đặt vấn đề.

Kết quả điều tra xác định, Linh đã nói chuyện này với Trưởng phòng tham mưu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (sau này là Cục phó) và được nhận lời.
Từ năm 2014 đến 2018, hoạt động đánh bạc trên trang M88 diễn ra bình thường. Đường dây này hoạt động tại TP HCM và một số tỉnh lân cận, thu hút hàng nghìn con bạc với số tiền cá độ lên đến 2.000 tỷ đồng. Đến tháng 7/2018, đường dây đánh bạc mới bị Cục cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) triệt phá.
Nguyễn Minh Đạt khai, từ tháng 2/2015 đến tháng 8/2017, theo chỉ đạo của A Phong và A Kiệt, anh ta đã chuyển cho Linh tổng cộng hơn 106 tỷ đồng (ngoài số tiền 38 tỷ đồng trong vụ án này) thông qua Nguyễn Mạnh Dũng (35 tuổi, nhân viên làm dịch vụ chuyển tiền) và hiệu vàng Toàn Phát trên đường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) do Đặng Chung Dũng làm chủ.
Trong khi đó Nguyễn Mạnh Dũng chỉ thừa nhận đã chuyển tiền ra nước ngoài cho Đạt để hưởng hoa hồng, không chuyển cho người tên Linh. Còn chủ tiệm vàng Toàn Phát thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài nhưng không biết người mang tiền đến nhờ chuyển và khách hàng nhận là ai.
Nhà chức trách xác định hành hành vi chuyển tiền ra nước ngoài của Nguyễn Mạnh Dũng và một số người liên quan có dấu hiệu Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới nên đã khởi tố vụ án và bị can. Ngày 3/9/2020, Bộ Công an đã chuyển tài liệu có liên quan đến hoạt động chuyển tiền trái phép cho Công an Quảng Ninh tiếp tục điều tra.
Đối với hành vi của Trần Xuân Linh, cơ quan điều tra xác định, sau khi được Trưởng phòng tham mưu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận lời bảo kê M88, Linh dùng nickname Mr Hello trên ứng dụng Telegram để liên hệ với nickname Philip Nguyen – nhân vật được Trưởng Phòng tham mưu chỉ định. Đồng thời, Linh kết nối Philip Nguyen với Đạt thông qua tài khoản trên Viber. Philip Nguyen sau đó đã cung cấp cho Linh nhiều thẻ và tài khoản ngân hàng để nhận tiền của Đạt.
Từ tháng 12/2014 đến 6/2018, Đạt đã chuyển cho Linh tổng cộng 38 tỷ đồng. Linh sau đó nhờ đồng nghiệp Trần Quang Việt đeo khẩu trang, đến các cây ATM vắng vẻ rút toàn bộ để đưa cho ông Cục phó. Linh được hưởng lợi hơn 412 triệu đồng, trả công cho Việt 157 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, ông Cục phó có hành vi nhận hối lộ nhưng ngày 4/5/2018 đã chết nên không lấy được lời khai. Đối với nickname Philip Nguyen, Mr Hello trên Telegram, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về quản lý thông tin chủ thuê bao, chủ tài khoản trên các mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài nên không tìm được thông tin. Do đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án Nhận hối lộ nhưng tách ra xử lý sau.
Nguyễn Minh Đạt đã đưa tiền để được một số cán bộ công an bảo kê. Do đó, dù anh ta có dấu hiệu phạm tội Đưa hối lộ nhưng theo quy định của pháp luật, hành vi này do anh ta tự khai giúp cơ quan điều tra làm rõ được tội phạm nên được miễn trách nhiệm hình sự. Hồi tháng 9 năm ngoái Nguyễn Minh Đạt bị TAND TP HCM xử phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc.
Hải Duyên