243. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Trung Quốc chưa giảm lòng tham trên Biển Đông

Thanh niên

Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian để đấu tranh trên Biển Đông không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận trước Quốc hội /// Ảnh Gia Hân
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận trước Quốc hộiẢnh Gia Hân

Giơ biển tranh luận với đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30.10, dù chỉ có 2 phút, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã tranh thủ đề cập đến hầu hết các vấn đề bức xúc nhất trong dư luận hiện nay: từ ô nhiễm không khí, kẽ hở trong quản lý nước sạch, các dự án phá hoại môi trường, đến việc Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

“Đại biểu Tám có nói thời gian qua chúng ta đã làm nhiều giải pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả, tuy nhiên, rất nhiều vấn đề môi trường đã xảy ra”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bắt đầu tranh luận.

Theo ông Hiếu, tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở thành phố lớn, đã đạt mức báo động đỏ. Nguồn khí thải độc hại không phải chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ, mà 75% là từ các nguồn thải khác. Chính vì vậy, phải can thiệp chính sách; có sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này.

“Không thể cải tạo môi trường không khí chỉ bằng những biện pháp đơn lẻ”, ông Hiếu nhấn mạnh, và cho rằng những giải pháp đơn lẻ chỉ như kết quả quan trắc hay xử phạt vi phạm, không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà cần có sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng.

“Chúng ta đã có quỹ bảo vệ môi trường, nhưng hoạt động của quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể cải thiện chất lượng không khí năm sau không xấu hơn năm trước?”, đại biểu Hiếu đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Trung Quốc chưa giảm lòng tham trên Biển Đông - ảnh 1
Tàu hộ tống và tàu dân binh Trung Quốc hỗ trợ tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt NamẢnh Ngư dân cung cấp

Đề cập đến khủng hoảng nước sạch thời gian qua của Hà Nội, đại biểu Hiếu cho rằng, sự cố này đã tạo nên hình ảnh rất “đặc biệt” của Thủ đô, như sống lại thời bao cấp – người dân phải đi xếp hàng lấy nước.

Theo ông Hiếu, “sự việc này làm lộ ra một sự lỏng lẻo trong việc quản lý nguồn nước, đã tạo ra nhiều khe hở để những kẻ không có lương tâm luồn lách, thu lợi trên sức khỏe người dân”. Do đó, cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ký, các công ty cấp nước đã cổ phần hóa, để đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Hiếu đề cập đến các dự án xẻ núi, phá rừng, nếu tìm thấy những bất cập, những khuyết điểm, hay khi bị nhân dân, báo chí phanh phui, đã tìm ra cách che đậy, không từ thủ đoạn nào lấp lấp liếm tội ác; và lại được bộ phận những người có trách nhiệm tặc lưỡi cho qua, với những suy nghĩ đơn giản là môi trường là cái gì đó rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ.

“Nếu nói đến việc khai thác cạn kiệt tài nguyên và môi trường, tàn phá môi trường không thể không nhắc đến ví dụ, nước láng giềng Trung Quốc. Khi họ khai thác cạn kiệt tài nguyên từ biển của họ, họ sẽ vươn sang các vùng biển lân cận và thậm chí xa hơn trên Biển Đông”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo.

Cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động của Trung Quốc lấn chiếm biển đảo

Về vấn đề Biển Đông, đại biểu Hiếu nêu thực tế là Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp (các thực thể trên Biển Đông) sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng.

“Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật phápquốc tế của họ, để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết”, đại biểu đề nghị.

Ông Hiếu cũng cho rằng, các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước (Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – PV) đã khẳng định bất di bất dịch là “không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

“Rất nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá trên Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa của dư luận quốc tế, ngay cả nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc, không thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên”, đại biểu Hiếu nói.

TIN LIÊN QUAN

TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU ĐƯỢC CHUẨN BỊ CỦA ĐẠI BIỂU NGUYỄN LÂN HIẾU

FB Nguyễn Lân Hiếu

Kính thưa Quốc Hội,

Trong báo cáo của TT Chính Phủ có nhắc đến hai vấn đề mà cử tri rất quan tâm, bức xúc trong thời gian vừa qua đó là vấn đề môi trường và tình hình biển Đông.

Trong thời gian gần đây rất nhiều các vụ việc gây tàn phá môi trường đã bị dư luận lên án. Cả môi trường không khí, nguồn nước và núi rừng đều bị xâm phạm nghiêm trọng gây nên sự bất an trong người dân.

Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, điều này cũng đi cùng với suy thoái môi trường, suy yếu tiềm năng phát triển bền vững kinh tế xã hội, tác động tiêu cực đến nhóm thu nhập thấp.

Tình hình ô nhiễm không khí đặc biệt là ở các thành phố lớn đã lên mức báo động đỏ. Không như chúng ta thường nghĩ, nguồn khí thải độc hại không phải chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ mà chiếm tới 75% là từ các nguồn thải khác (nguồn thải công nghiệp: công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất hoá chất, phân bón, luyện kim, xi măng, đốt rơm rạ…).

Chính vì vậy, việc can thiệp của chính sách, sự phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương mới có khả năng khắc phục được vấn đề này. Không thể cải tạo môi trường khí chỉ bằng những biện pháp đơn lẻ, những giải pháp che giấu kết quả quan trắc, hay xử phạt vi phạm… mà cần sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Chúng ta đã có quỹ bảo vệ môi trường chống ô nhiễm khí thải (chủ yếu từ thuế xăng, dầu) nhưng hoạt động của quỹ này vẫn còn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu chúng ta có thể đưa ra tiêu chí rất cụ thể là cải thiện chất lượng không khí năm sau ít nhất không xấu hơn năm trước. Chỉ cần theo dõi chỉ số bụi mịn (PM 2.5) biến động theo thời gian đã là một tiêu chí rất tốt để đánh giá chất lượng không khí nói riêng và môi trường sống nói chung.

Nói đến việc tham lam, khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường không thể không nhắc đến ví dụ nước láng giềng Trung Quốc.

Đây là một ví dụ mà chúng ta cần nghiên cứu để rút kinh nghiệm, không đi theo lối mòn nguy hiểm ấy. Khi họ khai thác cạn kiệt tài nguyên từ biển của họ, họ sẽ vươn “vòi bạch tuộc” sang các vùng biển lân cận và thậm chí xa hơn nữa.

Trên Biển đông, Trung quốc ngày càng chủ động trong tuyên truyền và phản tuyên truyền, trên thực địa thì đã chuyển từ giai đoạn xây dựng bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác sử dụng.

Chúng ta cần công khai cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp Quốc tế của họ để dư luận tiến bộ ở Việt Nam và trên toàn thế giới bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết.

Các phương pháp được chúng ta sử dụng trong thời gian qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của họ với bằng chứng là Trung Quốc ngày càng lấn tới. Cần thêm những biện pháp mới với nguyên tắc mà Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ đã khẳng định bất di bất dịch là không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Rất nhiều ý kiến của cử tri đề nghị kiện Trung Quốc ra toà án Quốc Tế nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu kiện Bãi Tư Chính – nơi thuộc chủ quyền Việt Nam là không bàn cãi sẽ làm dư luận hiểu rằng đây là vị trí tranh chấp, vùng chống lấn. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta không chỉ kiện vụ việc Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính mà chúng ta kiện toàn bộ các hoạt động của Trung quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá tại Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay bản thân nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc. Không chính phủ nào có thế phớt lờ lẽ phải hiển nhiên được cộng đồng quốc tế công nhận.

Đồng thời, chúng ta cũng cần có các kế hoạch để chuẩn bị nhưng sức ép về mặt kinh tế làm mất ổn định sự phát triển của đất nước. Những hình ảnh từng đoàn xe bị chặn xuất hàng hóa sang Trung Quốc cùng với con số thống kê 8 tháng đầu năm chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc tăng đến 45,7% so với cùng kỳ năm 2018 là những dấu hiệu cảnh báo mà các Bộ, Ban, Ngành chức năng cần hết sức lưu ý tránh các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra.

Kính thưa Quốc hội,

Còn nhiều vấn đề cần đề cập trong phát triển KTXH thời gian qua nhưng tôi rất mong Đảng và Nhà Nước tập trung vào hai vấn đề trên, giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo, bảo đảm sự phát triển ổn định bền vững của Việt Nam.

Xin cảm ơn sự lắng nghe của Quốc Hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *