
Đôi lời: có một vài tình tiết đáng chú ý trong vụ này:
+ Trong Quyết định 1946/QĐ-TTg, 26/11/2009, có quy định “không được sử dụng … đất rừng … để xây dựng sân golf“, không phân biệt “đất rừng” nào.
Thế nhưng, sau 11 năm, có Nghị định 52/2020/NĐ-CP, 27/04/2020, đã làm rõ về “đất rừng“, cho phép “dự án sân gôn sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên“.
Vậy phải chăng đã có sự … “nới lỏng” cấp thời quanh vấn đề “đất rừng”, liên quan tới dự án này, và sẽ còn tương tự nữa?
+ Thế nào là “rừng sản xuất” khi đó là “156ha rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây” (VietnamNet,5/4/2021)? Có quy định chi tiết nào phân biệt nó với “rừng tự nhiên” không?
+ Quyết định 1946 thì quy định rõ “diện tích tối đa dành cho sân golf 18 lỗ là 100 ha“, không có quy định nào cho loại 36 lỗ (như trong trường hợp này). Nghị định 52 thì không có quy định diện tích.
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một dự án, đặc biệt loại này, là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, trong cả nội dung của bài trên báo Chính phủ ở đây, lẫn Quyết định số 525/QĐ-TTg, 01/4/2021, do PTT Trịnh Đình Dũng “ký thay” TT, phê duyệt chủ trương đầu tư cũng không nêu vấn đề này. Còn Quyết định 795/QGG-TTg, 26/5/2014 thì chỉ để “điều chỉnh, bổ sung danh mục“.
Tìm trong nhiều bài báo trên mạng, mới thấy Thanh niên, 23/12/2020 có đoạn “…ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết … Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đak Đoa là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án.“
+ Ngoài ra, vấn đề dư luận ồn ào không phải chỉ thắc mắc về tính pháp lý trong việc phê duyệt, mà là hiện trạng có quá nhiều sân golf trên cả nước, hệ lụy của nó đã được chính báo chí nhà nước lên tiếng rất nhiều, từ lâu.
Một trong các hệ lụy là tình trạng “biến tướng”, từ sân golf chuyển mục đích sử dụng sang khách sạn, v.v.. là chính. Trong trường hợp này, FLC đã quảng cáo về “Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Gia Lai“, với “sân golf lớn nhất Việt Nam“.
Tất nhiên, nỗi lo cho môi trường bị tàn phá, đằng sau những khuất tất, vẫn là lớn nhất.
Ba Sàm
19/04/2021
(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, trong dư luận, xuất hiện một số thông tin không đúng sự thật về việc biến 174 ha rừng làm sân golf Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Về việc này, chúng tôi xin nói rõ thêm một số thông tin để bạn đọc biết, chia sẻ, ủng hộ.Ngày 1/4/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện Dự án.
Quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án kéo dài hơn 1 năm
Quá trình thực hiện, hồ sơ dự án đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa được tỉnh Gia Lai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa. Quá trình này không phải “một sớm, một chiều” là xong.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thẩm định, báo cáo lãnh đạo Chính phủ vào tháng 1/2020.
Trong quá trình hơn 1 năm xem xét dự án này, với quan điểm phát triển hài hòa “kinh tế – xã hội – môi trường”, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương rà soát, kiểm tra lại nhiều vấn đề như xác định rõ rừng thông thuộc loại rừng nào để xác định việc quản lý và chuyển mục đích sử dụng rừng, xử lý tài sản công (rừng thông), đánh giá các yêu cầu đối với nhà đầu tư, tình hình đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên quan đến Dự án…
Đặc biệt, cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo, việc triển khai đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hơn 100 ha rừng, trong đó chủ yếu rừng thông ba lá và thảm thực vật tại đây có “nguy cơ” biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung báo chí phản ánh.
Bộ NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của Dự án sân golf Đak Đoa cũng như tổ chức Hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai Dự án.
Sân golf Đak Đoa nằm trong quy hoạch
Theo quy định tại Điều 30 của Luật Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf, không phân biệt quy mô nguồn vốn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, về trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.
Sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt “Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”.
Dự án cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020. Theo đó, dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất, không phải là rừng tự nhiên, phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp…
Không phá rừng…
Một vấn đề mà nhiều người quan tâm là liệu Dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, có làm mất rừng, dù đây là rừng sản xuất, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, mục tiêu Dự án đề ra là phải giữ lại rừng thông để bảo vệ cảnh quan, môi trường, không được chặt hạ. Nhà đầu tư phải giữ lại phần lớn diện tích rừng trồng thông này, chỉ di thực những cây nằm trên đường golf hoặc các công trình xây dựng khác để trồng vào các vị trí phù hợp.
Khi thực hiện Dự án, nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời thực hiện việc trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án. Có nghĩa là Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên.
Trong văn bản ký phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, việc đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và các pháp luật liên quan khác thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình.
UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, việc ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa là thận trọng, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, nhằm phát triển kinh tế – xã hội của Gia Lai, một tỉnh còn nhiều khó khăn và tính toán kỹ đến yếu tố bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Nguyễn Đức