BS: Cả hai bài viết của Huy Đức và Chu Vĩnh Hải đều thú vị. Một người thì có vẻ rất tỉnh táo, thực tế. Một người có vẻ rất bài bản hiện đại.
Dù sao thì cũng xin lưu ý một thực tế còn nóng hổi, đó là vụ FLC kiện thắng báo Giáo dục VN.
Có thể trong cuộc này, độc giả cuối cùng sẽ bị thất vọng, nhưng, thế mới là … Việt Nam. Báo chí dù thế nào cũng cần hai chữ “dân thân”. Và tất cả còn đang ở phía trước.

3/10/2019
Nhà báo Trương Huy San- Huy Đức vào ngày 3-10 đã viết một status trên trang Facebook cá nhân của mình “Báo Phụ Nữ nên củng cố cứ liệu cho loạt bài Bà Nà, Tam Đảo”.
Trong status đó, nhà báo Huy Đức viết :
“Khi báo Phụ Nữ cáo buộc những công trình đó sai phạm cũng đồng nghĩa với việc cáo buộc cả sai phạm của chính quyền các cấp. Chỉ ra sai phạm của chính quyền là càng cần thiết nhưng cáo buộc bất cứ ai cũng cần có lập luận và bằng chứng rõ ràng”.
Tiếp đó, nhà báo Huy Đức viết:
“Công chúng đã dành cho các bạn nhiều sự ủng hộ. Nhưng tôi thì thấy tờ báo không chỉ cần công chúng vỗ tay. Với loạt bài này, báo Phụ Nữ có thể sẽ phải đối diện không chỉ với doanh nghiệp mà cả chính quyền nhiều cấp. Các bạn nên ngồi lại củng cố các cứ liệu đang có để bảo vệ mình thay vì sử dụng uy tín của “Bác Hồ” như bài viết gần đây của bà Tổng biên tập báo“.
Ý kiến của nhà báo Huy Đức chẳng xa lạ đối với các nhà báo chuyên nghiệp. Nhưng liệu ý kiến của nhà báo Huy Đức có còn đúng trong bối cảnh báo chí thế giới đã có những thay đổi chóng mặt?
Khoảng 20 năm trở lại đây, quan điểm của báo chí thế giới về thể loại báo chí điều tra đã thay đổi rất nhiều. Các nhà báo điều tra đều nhất trí cho rằng, một bài điều tra hay một bài phóng sự điều tra là một tác phẩm báo chí chứ không phải là một bản kết luận điều tra của một cơ quan điều tra hay của một vài điều tra viên. Thứ hai, một bài điều tra hay một bài phóng sự điều tra chỉ là một tác phẩm báo chí chứ không phải là bản luận tội của cơ quan công tố. Thứ ba, một bài điều tra hay một bài phóng sự điều tra chỉ là một tác phẩm báo chí chứ không phải là bản án của một quan tòa.
Vậy tư liệu của một bài điều tra hay bài phóng sự điều tra cần có nhiều đến mức nào? Tư liệu này không cố định về định tính và định lượng mà tùy thuộc vào vấn đề phức tạp mà bài điều tra đề cập đến. Với quan niệm nhà báo và tòa soạn báo không phải là nhà điều tra, không phải là công tố viên, không phải là quan tòa, đa phần báo chí thế giới đều cho rằng, một bài điều tra là một bài hé mở, gợi mở về một vấn đề phức tạp để công chúng biết đến và tỏ rõ thái độ, để chính quyền biết nhằm có phương hướng giải quyết. Bài điều tra là bài không xác quyết, không đóng đinh, và không phán quyết về một vấn đề phức tạp. Sự hé mở, sự gợi mở của bài điều tra chỉ mang tính thúc giục chính quyền nghiên cứu để hành động trước một vấn nạn. Nếu viết bài điều tra theo cách này, liệu báo Phụ Nữ có phải cần quá nhiều tư liệu cho bài điều tra? Chắc chắn là không!
Nguyên nhân nào khiến báo chí thế giới thay đổi quan niệm về bài điều tra? Trước tiên là về mặt kinh phí. Kinh phí cho một bài điều tra rất tốn kém. Cách đây khoảng hơn 20 năm, một phóng viên của tờ The Washington Post đã mất 2 năm để hoàn thành bài điều tra về nạn lao động trẻ em ở Mexico. Lý do thứ hai chính là quan niệm về sự gợi mở, hé mở của bài điều tra.
Có thể nhà báo Huy Đức viết status rất vô tư và vô vụ lợi theo cách anh ấy hiểu về bài báo điều tra. Nhưng tại sao anh Huy Đức lại lấy chính quyền và doanh nghiệp mà anh ấy gọi là ” thế lực” ra để cảnh báo báo Phụ Nữ? Chẳng lẽ anh Huy Đức không biết nguyên tắc của nhà báo, nguyên tắc của bất cứ tờ báo nào cũng là: Tất cả chỉ là tin tức, không thiên vị hoặc là sợ hãi!
Mời xem thêm liên quan: loạt 8 bài trong vụ Báo Phụ nữ TPHCM và Sun, Tam Đảo. https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/tag/bao-phu-nu-tphcm/