16 tháng 12 2020

Đến tối ngày 16/12, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã thông tin chính thức về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang.
Chiều cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt để tạm giam ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6 – nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để điều tra về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Thời hạn tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” là theo quy định của pháp luật, theo phía công an nói.
Trước đó cùng ngày, truyền thông ban đầu đưa tin ông Cang bị bắt, rồi lại xóa đi chỉ nói là khởi tố bị can.
Ngày 16/12/2020, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin cho hay công an TP Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, người đang giữ chức vụ Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM về hành vi “Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” điều 219 bộ luật hình sự 2015.
Tờ báo trực thuộc Đảng bộ đảng Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh cho hay quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn, đồng thời ông Tất Thành Cang, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố này (từ 10/2015 đến 12/2018) cũng đã bị tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.
Ông Tất Thành Cang sắp vào ‘lò’ TBT Trọng?
Ông Tất Thành Cang đã làm gì ở đất Thủ Thiêm?
Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện?
‘Gửi hồ sơ Tất Thành Cang ra trung ương’
“Chiều 16-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6, nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) về hành vi “Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” điều 219 bộ luật hình sự 2015.
“Tất cả các quyết định trên đều được Viện VKSND cùng cấp phê chuẩn… Chiều 16-12, nguồn tin của Báo SGGP cho biết, Thường trực HĐND TPHCM vừa ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.
“Việc tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TPHCM của ông Tất Thành Cang được thực hiện theo khoản 2 điều 101 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.”
Bị khởi tố, kỷ luật thế nào, vì sao?

Cũng ngày thứ Tư, báo Thanh Niên cho biết thêm quyết định được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM phê duyệt cũng có nội dung khám xét nơi ở đối với cựu Phó Bí thư thành ủy:
Ông Lê Thanh Hải chờ kỷ luật, ông Nguyễn Văn Đua ‘được tha’
Thử thách nào chờ đợi ông Nguyễn Văn Nên ở TPHCM?
VN: Bắt tạm giam, khởi tố em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải“
Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC, ngày 16.12, nguồn tin của phóng viên Thanh Niên cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, quê Long An, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”).
“Theo đó, ông Tất Thành Cang bị Cơ quan Điều tra khởi tố để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.”
Báo Tuổi Trẻ cùng ngày cũng cho biết thêm chi tiết liên quan tới điều được cho là “sai phạm” dẫn đến việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố:
“Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Cang được cho có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược – Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn SADECO.
“Như vậy, liên quan đến sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu Công ty SADECO cho Nguyễn Kim, cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can để điều tra.”
Trong một mục tin liên quan cũng trên báo này, Tuổi Trẻ nhắc lại ông Cang cũng từng có nhiều “sai phạm” khác khiến ông bị kỷ luật và cách chức Ủy viên Trung ương đảng từ trước:
“Ông Tất Thành Cang, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và giám đốc Sở Giao thông vận tải đã làm sai quy định trong nhiều vụ việc dẫn đến bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố,” bài báo với tựa đề “Những vi phạm khiến ông Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên trung ương Đảng.”
Các sai phạm này, mà Tuổi Trẻ trích đăng từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam công bố từ cuối tháng 12/2018 cho hay ông Tất Thành Cang có vi phạm “rất nghiêm trọng”, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Theo đó, trong thời gian nắm các chức vụ, ông bị kết luận là đã phê duyệt dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm sai quy định, Quyết định sai thẩm quyền gây thất thoát tài sản nhà nước (liên quan vụ việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Tới bây giờ mới khởi tố là “hơi trễ”?

Hôm 16/12 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận về việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố với BBC News Tiếng Việt, ông nói:
“Các sai phạm của ông Tất Thành Cang theo các kết luận và điều tra được cho là có hệ thống và nghiêm trọng, mà trong thời gian dài ông không bị xử lý, kỷ luật, cách chức đến nơi đến chốn, việc này đã tạo ra nhiều bức xúc trong công luận, nhiều người trong nhân dân, cán bộ tỏ ra không hài lòng.
“Nhưng tới bây giờ ông ấy mới bị khởi tố bị can, tôi cho rằng cũng hơi bị trễ, mặt khác, bây giờ chuẩn bị khai mạc Đại hội đảng lần thứ 13, thì việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, sai phạm mà đòi hỏi phải có những hành động, biện pháp làm dứt điểm luôn để đi vào đại hội mà không quá trễ, tôi cho là công việc không chỉ nên làm mà là phải làm.
“Qua theo dõi, tôi cho rằng không chỉ ông Tất Thành Cang mà cả những người liên quan mà quan trọng hơn nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn, thì đó cũng là một cái thiếu triệt để.
“Lò đã thắp nóng mà củi lặt vặt, làm chưa đến nơi đến chốn, thì chưa đạt. Đó cũng là một sự chờ đợi của nhân dân. Có những cán bộ, đảng viên lão thành đang cho rằng đã làm thì phải làm triệt đễ.”
Khi được hỏi, nếu thực sự ông Tất Thành Cang không hành xử “một mình” mà có thể phải có “cấp trên” phê duyệt ở cấp cao hơn không, và nếu các điều tra cho rằng có sai phạm liên quan mà nghiêm trọng ở cả cấp trên như vậy, thì cần phải được xử lý như thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp:
“Ông Tất Thành Cang nắm nhiều chức vụ, trong đó ông từng có nhiệm vụ là Phó Bí thư thường trực từ tháng 2/2016, dù như thế ông không phải là người đứng đầu của đảng tại đảng bộ thành phố, mà ông còn phải chịu sự chỉ đạo, giám sát của người trực tiếp cấp trên của ông ở cơ quan này.
“Và người đứng trên này do đó cũng phải chịu những biện pháp xử lý thích đáng và việc xử lý đó là sự chờ đợi, mong mỏi của quần chúng, nhân dân thành phố và đặc biệt của những cán bộ, đảng viên, những người đã tham gia kháng chiến trong giai đoạn trước 1975 và ngay đến bây giờ.
“Và ở đây còn chưa nói tới những sai phạm lâu dài, kéo dài liên quan tới vụ Thủ Thiêm và rõ ràng là có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ một, nhưng đã được xử lý không đến nơi đến chốn, nửa vời.”
“Động thái mới đến từ lãnh đạo mới?”

Theo cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, có thể động thái mới xảy ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh có một tân bí thư thành ủy được “điều chuyển” từ trung ương về và do đó tạo ra bối cảnh mới, ông nói:
“Nhân đây tôi muốn nói là trước đây ông Nguyễn Thiện Nhân đã ngại ngùng, không muốn đẩy mạnh việc đó. Nhưng bây giờ tình hình đã khác, ông Nguyễn Văn Nên, tân Bí thư thành ủy mới về thành phố.
“Và trước sự đòi hỏi, trông chờ của quần chúng, đảng viên, thì đã có sai phạm thì dù là ai, cấp nào cũng phải xử lý, thì bây giờ ông Bảy Nên với cương vị từng là Bí thư Trung ương đảng, điều chuẩn và nay là Bí thư Thành ủy, có lẽ cũng đã nhận thức được trách nhiệm và do đó ông đã có động thái thúc đẩy để làm đến nơi đến chốn.
“Tất cả những cái này phải xử lý triệt để, nếu không xử lý triệt để, thì những gì tồn đọng đó sẽ mãi như những thứ ung nhọt, gây bệnh tật và hiểm họa cho cơ thể mà cơ thể ở đây chính là sinh mạng của đảng cầm quyền, sinh mạng của cả dân tộc và đất nước.
“Trong lúc này, để giữ vững được độc lập dân tộc trước nguy cơ bên ngoài đe dọa chủ quyền lãnh thổ, nhất là tình hình Biển Đông v.v…, thì ở bên trong phải trong sạch, vững mạnh, thì người dân mới tin và mới đồng lòng trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng trong sạch và đồng lòng, đồng hành trong việc giữ nước, giữ Biển Đông.
“Thành ra, đối với ông Bảy Nên, khi ông về thành phố, thì đây là những thử thách, những bước ngoặt quan trọng trong con mắt và cái nhìn của đảng viên, quần chúng nhân dân trước ông, và đây là những thử thách quan trọng trước cương vị chính trị mà ông đảm nhiệm.
“Nếu làm nửa vời, thì niềm tin của quần chúng, cán bộ, đảng viên cũng sẽ nửa vời và sự nửa vời đó sẽ đem lại hậu quả là tai họa, người ta sẽ thờ ơ, thậm chí coi thường những hoạt động, sứ mạng của tổ chức chính trị, của nhà nước, do vậy đó là đòi hỏi rất lớn, cho nên phải làm triệt để thì mới củng cố được niềm tin, hay nói đúng hơn là mới lấy lại được niềm tin,” Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 16/12 từ Sài Gòn.