5 tháng 9 2020
Năm nay, chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam đang đánh dấu 75 năm quốc khánh và ngày độc lập 2-9, đồng thời đảng cầm quyền cũng chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp nhóm họp vào đầu năm sau.
Nhân dịp này, một số nhà bình luận thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại bàn về vấn đề gì có thể là thách đố lớn mà kỳ đại hội này có thể phải đương đầu, giải quyết.
Phần 1:
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ – Viện Chính sách công, Hà Nội:
Chế độ tiêu biểu ở Trung Quốc và ở Việt Nam thực ra có một sức sống rất là dẻo dai, nhưng lý do rất đơn giản đó là nó duy trì một sự chuyên chế, mà thường thường là trấn áp và bạo lực, khiến cho mọi người rất là sợ phải tuân thủ. Thứ hai nữa là nó cũng linh hoạt, sau ba mươi năm đổi mới, nó luôn áp dụng những chính sách người ta gọi là ‘sai – sửa’, tức là thấy sai thì sửa và được thích nghi với tình hình mỗi khi mà bị dồn đến chân tường, thí dụ như là đói kém hoặc là khi có những tình huống cấp bách.
Sử gia Lê Văn Sinh – Đại học Quốc gia Hà Nội:
Mới trải qua 75 năm tồn tại, chế độ Việt Nam hiện thời đã lâm vào tình trạng bất ổn. Khi đánh giá ” sức khỏe ” chế độ, một số người trong giới lãnhđạo Đảng và Nhà nước nhận ra chế độ bị lỗi hệ thống. Đó là cách nói ẩn dụ, thay vì chỉ ra rằng một cuộc đổi mới chính trị bị trì hoãn đã lâu dẫn tới tình trạng này.
Hệ thống kinh tế thị trường thì không thể điều hành nó bằng hệ thống chính trị kiểu Xô Viết. Việt Nam duy trì tình trạng bất cập này từ sau đổi mới kinh tế năm 1986 và bất ổn hệ thống xã hội từ đó mà ra, dẫn tới bất ổn chính trị và bang giao như ta thấy.
Nhà văn Võ Thị Hảo – tỵ nạn chính trị tại Berlin, Đức:
Tôi xin dùng hình tượng để nói chế độ hiện nay thể hiện đúng sức khỏe của một ông lão dưới 80 mặc bộ đồ complê Trung quốc, đi giày tây, có song song hai quốc tịch Việt Nam và quốc ngoại (như Cyprus chẳng hạn) để nếu có biến thì có thể sẵn sàng thoát li đi thật nhanh, để lại sau lưng mọi hậu quả.
Chế độ sau 75 năm Quốc khánh, nay mang nhiều bệnh nan y nhưng lại chối từ mọi chữa trị, trái lại lại sẵn sàng cầm dao súng đánh đuổi, bỏ tù những bác sĩ đưa ra kết quả chẩn bệnh và thuốc thang cứu mạng cho thể chế này.

Ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng, Hà Nội:
Kỷ niệm ngày độc lập, theo thiển ý của tôi, chế độ này vẫn còn đang vững vàng, chưa có gì đe dọa sự tồn vong của chế độ này, tuy nó gặp khá nhiều khó khăn và thách thức kể cả về đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, thách thức lớn nhất là thể chế chính trị chưa được đổi mới cho sự đổi mới về mặt kinh tế, chưa phù hợp với xu thế của thời đại mà đổi mới về kinh tế, nước Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1986. Nếu nói một cách hình tượng, cái áo thể chế hiện nay đã quá chật đối với một nền kinh tế thị trường đang phát triển và cần phát triển.
Về đối ngoại, Việt Nam nằm sát một ông láng giềng khổng lồ mạnh về kinh tế và quân sự, lại có nhiều tham vọng lớn về quyền lực, về lãnh thổ, luôn không từ một thủ đoạn nào để phá hoại, để gây rối, và có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền đối với nước Việt Nam.
Tiến sỹ Mai Thanh Sơn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:
Theo tôi, chế độ này đang ở vào giai đoạn cuối của chu kỳ tự nhiên “sinh – lão – bệnh – tử”. Xét cho cùng, sức khỏe của một thể chế cũng không khác gì so với sức khỏe con người. Liên Xô và các quốc gia XHCN Đông Âu là những ví dụ sinh động. Một loạt các nước Mỹ Latinh cũng đã rơi vào trường hợp đó. Câu chuyện của Việt Nam hiện nay liên quan cả đến đối nội và đối ngoại. Một cơ thể già nua tất sẽ sinh nhiều bệnh tật.
Về các ưu, khuyết điểm chính của mô hình thể chế hiện nay tại Việt Nam?
Sử gia Lê Văn Sinh:
Ưu điểm nổi bật của chế độ này là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị từ tay người Pháp và chấm dứt sự phân chia Nam – Bắc. Nhưng đó là chuyện đã qua. Nay, chế độ xã hội Việt Nam đang đối mặt thách thức to lớn có tính thời đại là độc tài, đảng trị hay cộng hòa, dân chủ, tự do. Cố Chủ tịch HồChí Minh nói đại ý: nước được độc lập mà dân không có tự do thì độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Theo đó mà xét, khuyết điểm chính yếu, bộc lộ bản chất chế độ Việt Nam hiện thời là độc tài, toàn trị.
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi cho rằng chế độ hiên nay có khả năng ứng phó và triệt tiêu đối lập để nắm quyền lực tuyệt đối, biết biến hệ thống quyền lực thành hệ thống kiếm tiền bằng quyền lực để neo giữ những nô bộc trung thành. Đảng Cộng sản và các cá nhân trong hệ thống chính trị ban đầu là quyền lực tách biệt với kinh tế, nay đã ngày một trở thành tập đoàn tham nhũng và lợi ích nhóm có được từ quyền lực vẫn mang danh xã hội chủ nghĩa
Người dân dưới chế độ, thời gian đầu dù rất nghèo và chiến tranh nhưng còn đươc hưởng giáo dục và y tế miễn phí nhưng về sau, Đảng CSvà nhà nước ngày một tỏ ra chối từ hoặc suy giảm trách nhiệm điều hành phúc lợi và thuế để lo an sinh xã hội cho dân, mặc cho dân phải hết sức chật vật, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng, giàu nghèo quá cách biệt.
Nhà nghiên cứu Mai Thanh Sơn:
Tôi đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng hiểu hết ngữ nghĩa của 6 chữ trong tiêu ngữ quốc gia “độc lập – tự do – hạnh phúc”. Và tôi thấy rằng, đó thực sự là những mục tiêu còn rất xa đối với bản thân và đồng bào mình.
Đất nước thống nhất về địa lý, lãnh thổ quốc gia, nhưng điều đó liệu có ý nghĩa gì khi lòng người li tán, khối đại thống quốc gia sau 45 năm vẫn chưa hàn gắn được? Sau 75 năm quốc khánh, nhìn lại những được mất về lãnh thổ lãnh hải, về các nguồn tài nguyên vốn dĩ một thời là “rừng vàng biển bạc”, về các thành tựu khoa học và công nghệ, về một thương hiệu quốc gia vẫn còn đang ở đâu đó “tít mù xa” (chữ của nhà thơ Xuân Sách), thử hỏi ai trong chúng ta có thể chỉ ra được một niềm tự hào chính đáng?
Hiện đất nước đang nghèo đi từng ngày các nguồn tài nguyên, đang trăn trở từng giờ về một hướng đi cho nền kinh tế phát triển bền vững, và một bộ máy sờ đâu cũng thấy “củi”. Tôi không nghĩ rằng, đó là tính chất ưu việt của chế độ.
Phần 2:
Ông Lê Văn Sinh (nhà nghiên cứu lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội): Câu hỏi đặt ra với đảng này và cũng là với Đại hội 13 theo tôi là Việt Nam có thật sự là nước dân chủ, quyền tự do của người dân có được đề cao, tôn trọng và bảo vệ hay không. Đó là câu hỏi lớn mà các thế hệ lãnh đạo Đảng biết mà dân chúng càng biết rõ.
Ông Trần Tiến Đức (nguyên Vụ trưởng tuyên truyền cấp ủy ban nhà nước): Tôi thấy việc xây dựng một đảng cầm quyền vững mạnh, trong sạch, đi đôi với mở rộng dân chủ, tôn trọng quyền con người là điều người dân chờ đợi.
Nhà văn Võ Thị Hảo (nhà bất đồng chính kiến và tị nạn chính trị, từ Berlin, CHLB Đức): Theo tôi, đó là quyền lực có xu thế bị biến thành lạm quyền và tham nhũng, không thể chữa trị vì đảng Cộng sản tuyệt đối độc quyền. Hệ thống chính trị nhiều chỗ biến thành đường dây ngầm về quyền lực mà ngay cả những lãnh đạo cao nhất cũng hãi hùng về an nguy trong các cuộc tranh giành phe phái trước đại hội đảng.
Thêm nữa, đó là, sự đàn áp tự do ngôn luận, ngay cả sự kêu cứu của dân oan vẫn một lòng tin đảng vẫn bị đàn áp, đến mức năm 2020 này đã xẩy ra vụ tập kích và thảm sát Đồng Tâm; và đó là một nền kinh tế, chính trị và ngoại giao thiếu tự chủ, lệ thuộc và lép vế so với Trung Quốc và ngay cả một vài lãnh đạo có tâm nhất vẫn không thể quản lý nổi sự xâm lấn về mọi mặt của Trung Quốc với Việt Nam: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và ngoại giao.
Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ (Nhà phân tích chính sách công): Đảng CSVN vẫn khẳng định là lực lượng lãnh đạo mạnh mẽ, độc tôn đối với xã hội, đất nước. Đảng vẫn nhấn mạnh “kiên định” chủ nghĩa Marxism – Leninism, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đã lưu ý đến “đổi mới, sáng tạo”, đặc biệt trước thềm Đại hội 13. Hơn thế, “xây dựng và chỉnh đốn đảng” để tập trung quyền lực đang được thể hiện trong đại hội các cấp. Chống tham nhũng có thể vẫn được duy trì, nhưng không thể mang lại hiệu quả thực sự, khi “tự diễn biến, tự chuyển hoá” được đảng xác định là do bộ phận cán bộ, đảng viên, nghĩa là do họ “không rèn luyện”. Tuy nhiên, nguồn gốc của quá trình này là do bản chất của guồng máy đặc quyền đặc lợi.
Tiến sỹ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội trong quốc gia Việt Nam. Nội bộ đảng có những nguyên tắc bảo mật riêng, và vì thế tôi cũng như nhiều quốc dân đồng bào chẳng bao giờ có thể hiểu được đâu là “vấn đề lớn và căn cốt từ đại hội đến đại hội của họ”.
Nhưng với những trải nghiệm từ mấy chục năm nay, tôi hình dung rằng, mối quan tâm lớn nhất của những người cộng sản Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai vẫn là làm sao để đảng của mình đừng có “xuống hố cả nút”. Về nội bộ đảng, câu chuyện “củi lửa” chắc chắn sẽ còn nóng trước và sau đại hội 13.
Đối với những vấn đề lớn của đất nước như định hướng mô hình phát triển quốc gia hay củng cố mối đại đoàn kết toàn dân, tôi cũng chắc họ còn đang rất bí bách. Về mô hình phát triển quốc gia thì chính các nhà lý luận của đảng cũng đã phải thừa nhận là còn mù mịt.
Về các vấn đề khác liên quan đến lòng người, tiếng nói của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vụ Thủ Thiêm hay Đồng Tâm đều là không mấy dễ chịu. Đó cũng chính là những vấn đề mà cá nhân tôi, một quần chúng nhân dân đặt ra, nhưng nói thật, tôi không kỳ vọng đảng xử lý được.

Có giải được vấn đề không?
Khi được hỏi trước vấn đề hay những câu hỏi đặt ra đó, liệu Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam có giải quyết được hay không, các nhà bình luận nêu quan điểm của mình.
Ông Trần Tiến Đức: Tôi không hy vọng gì ở Đại hội 13. Thách thức lớn nhất là phải dám vượt qua những quan niệm đã lỗi thời, chấp nhận những thay đổi cho dù đau đơn, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích đảng phái, đi theo con đường phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.
Ông Lê Văn Sinh: Công tác chuẩn bị văn kiện chính trị và nhân sự Đại hội 13 không có gì khác các Đại hội trước đó của ĐCSVN. Khi các nhà lãnh đạo Đảng vẫn trung thành với học thuyết xây dựng xã hội Marxism – Leninism, vẫn xây dựng ở Việt Nam một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì sẽ không có thay đổi căn bản về chính trị – xã hội cho đất nước.
Bà Võ Thị Hảo: Có thể giải quyết được, nếu Đại hội này thực sự thay đổi thể chế chính trị theo hướng đảng Cộng sản trao các quyền đương nhiên lại cho dân, chấp nhận lẽ công bằng là cạnh tranh cùng các đảng đối lập, thực hiện hệ thống tam quyền phân lập và tự do ngôn luận…
Tuy nhiên, điều này chưa thể có, nếu xét theo hiện trạng.
Ông Phạm Quý Thọ: Không thể giải quyết ở một đại hội, ở ĐH 13 này, vì đây là vấn đề thuộc bản chất chế độ đảng toàn trị, chuyên chế chứa đựng những mâu thuẫn cơ bản giữa hai hệ thống ý thức hệ với các giá trị đối lập.
Viễn kiến tương lai thế nào?
Bình luận về viễn kiến, tương lai của đảng cầm quyền và chế độ mà năm nay đánh dấu 75 năm quốc khánh, cùng 90 năm tròn thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, các ý kiến nói với BBC:
Ông Lê Văn Sinh: Theo tôi, tương lai của chế độ và đảng cầm quyền ở Việt Nam là vô định. Chừng nào nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn bị điều hành bởi hệ thống chính trị phi thị trường thì chế độ và đảng lãnh đạo chế độ đó không có tương lai.
Tương lai của Đảng phụ thuộc vào việc Đảng có dám tự đổi mới thành một đảng dân chủ hay không, có dám tiến hành cuộc cải cách chính trị thực sự hay không.
Bà Võ Thị Hảo: Trong tương lai gần, phe được cho là thân Trung Quốc vẫn thắng thế.
Trong khoảng 5 năm tới, e rằng đa số người dân sẽ càng nghèo, thậm chí kiệt quệ vì thể chế này và ảnh hưởng của Covid-19 cùng thiên tai. Đây là thách thức cực lớn cho đảng Cộng sản. Tương lai xa mà tất cả đều có thể, sự bất công và yếu tố địa chính trị, có thể góp phần tạo nên thời vận cho một nền dân chủ…
Tuy nhiên, tôi cho rằng người Việt Nam đương nhiên không thể tuyệt vọng. Bền bỉ giữ lương tâm và hành động dù nhỏ, dai dẳng cho đến một ngày thể chế đó phải thay đổi.
Tôi đang ở Đức, các bạn có thể ở các nơi khác trên thế giới, và chúng ta biết, người Việt Nam đương nhiên phải được hưởng những quyền lợi chính đáng như công dân trên hành tinh này ở các thể chế, quốc gia tiến bộ, văn minh, dù chậm.
Ông Phạm Quý Thọ: Chế độ đảng toàn trị có “sức sống dẻo dai”, bởi sự duy trì đàn áp, chuyên chế. Ngoài ra, những chính sách “sai – sửa” được áp dụng để thích ứng với tình hình mỗi khi “bị dồn đến chân tường”.
Người dân luôn mong muốn có sự thay đổi hướng đến các quyền tự do, dân chủ và mưu cầu hạnh phúc. Sự cải cách chính trị cần hướng đến nguyện vọng của nhân dân, sao cho họ có quyền bầu được người đại diện cho bản thân, tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn.
Ông Mai Thanh Sơn: Theo tôi, xét theo quy luật lịch sử, chế độ nào rồi cũng có hồi cáo chung để được thay thế bằng một chế độ khác ưu việt hơn, hợp lòng dân hơn. Vấn đề chỉ là khi nào và bằng cách nào?
Tôi, chắc cũng như đại đa số quốc dân Việt Nam khác, đều mong muốn có một sự chuyển đổi trong hòa bình, thông qua các cuộc đối thoại giữa những người anh em Việt, với tinh thần thượng tôn quốc gia/dân tộc thay vì dựa vào những người đồng chí có chung một ý thức hệ đã bị thế giới ruồng bỏ.
Triển vọng thì nhiều, vì hiện nay dân trí đã cao hơn so với dăm bảy thập niên trước. Nhưng thách thức cũng vô cùng lớn, bởi tất cả các nhà cầm quyền (cá nhân và tập thể) luôn có xu hướng bảo thủ. Việt Nam chắc chắn cũng không là ngoại lệ. Và các kinh nghiệm cũng cho thấy, sự sinh thành nào cũng đớn đau.
Mời quý vị theo dõi thảo luận về Chủ đề 75 năm Quốc khánh Việt Nam trên mạng YouTube hôm 03/09/2020.
Liên quan: