- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
49 phút trước
Ông Phạm Phú Quốc đang bị xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Vậy đại biểu này đã vi phạm quy định nào và việc bãi nhiệm sẽ được tiến hành ra sao?
Sau khi bị lộ thông tin có 2 quốc tịch, Việt Nam và Cyprus, ông Phạm Phú Quốc đã gửi đơn xin thôi đại biểu Quốc hội, thôi chức Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), chức vụ mà ông mới được UBND TP HCM bổ nhiệm tháng 12/2019.
Trong cuộc họp báo hôm 1/9, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM, cho biết ông Quốc gửi đơn xin thôi nhiệm vụ ngày 25/8, hai ngày sau khi lộ thông tin có hai quốc tịch. Ông Quốc cũng đã gửi giải trình vào ngày 27/8.
VN xem xét việc bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc vì có hai quốc tịch
Nhập tịch vào Cyprus: nhiều câu hỏi từ trường hợp ông Phạm Phú Quốc
Cũng tại cuộc họp báo, ông Hà Phước Thắng, chánh Văn phòng UBND TP HCM, cho hay trong tuần này Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sẽ họp và báo cáo Ban công tác đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Phạm Phú Quốc.
Bãi nhiệm thế nào?
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 3/9, luật sư Lê Trung Phát- giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP HCM) – cho biết việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, cụ thể tại Điều 22 có quy định về “Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội”.
Theo đó, đại biểu Quốc hội “phải trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn”… Trường hợp đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì Quốc hội hoặc cử tri sẽ thực hiện “việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội” theo quy định tại Điều 40.
Luật sư Lê Trung Phát cho biết: “Nếu việc bãi nhiệm được Quốc hội thực hiện trong kỳ họp, thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc Hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.
Vì sao người Việt giàu chọn nhập tịch đảo Cyprus, Saint Lucia, Bồ Đào Nha
Những ai mua ‘hộ chiếu vàng’ của Cyprus?
Ông Phát nói thêm: “Trường hợp của đại biểu Phạm Phú Quốc nếu bị đề nghị bãi nhiệm thì có thể tiến hành một trong hai hình thức nêu trên”.
“Còn nếu ông Quốc có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác, thì việc quyết định chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định. Trong trường hợp nếu đơn này được gửi trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”, luật sư Phát phân tích.
Theo quy định, kể từ ngày Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu, thì lúc này người ấy sẽ không còn tư cách đại biểu Quốc hội.
Luật sư Lê Trung Phát Phát nhận định “với vai trò của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan này chỉ được áp dụng việc cho thôi hoặc bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội mà không áp dụng các hình thức khác”, ngoại trừ một số trường hợp mà luật có quy định khác.

Về vấn đề tư cách đại biểu Quốc hội, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP HCM, đánh giá: “Đến tháng 2/2018, ông Quốc có quốc tịch Cyprus nhưng không khai báo là thiếu gương mẫu, không trung thực, không chấp hành quy định của Đảng”.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM – xác nhận năm 2018, ông Phạm Phú Quốc từng có đơn xin thôi nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông Khuê nói rằng đơn xin thôi việc của ông Phạm Phú Quốc liên quan về vấn đề khác, không phải việc mang hai quốc tịch.
Tối 25/8, trả lời trên báo Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã xác nhận có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018. Ông Quốc nói quốc tịch thứ hai của ông do gia đình bảo lãnh và các thông tin về việc ông mua quốc tịch thứ hai với giá 2,5 triệu USD là không chính xác.
Ông Phạm Phú Quốc không phải là đại biểu Quốc hội đầu tiên bị phát hiện có thêm quốc tịch nước ngoài.
Vào năm 2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng bị phát hiện có thêm quốc tịch Malta.
Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín, kết quả 100% thành viên hội đồng có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV. Bà Hường cũng bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.
Nhiều tranh luận
Vụ việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bị phát hiện có thêm quốc tịch nước ngoài và bị xem xét bãi nhiệm một lần nữa khơi lên tranh luận liên quan đến cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam. Trên trang cá nhân của mình, luật sư Ngô Ngọc Trai viết:
“Qua sự việc này tôi cho rằng nhiều người không đảm bảo tư cách phẩm chất mà vẫn trúng cử đại biểu Quốc hội hoặc tôi tin rằng có nhiều người cũng chẳng thiết tha gì với cương vị này nhưng vẫn bị đề cử phải tham gia Quốc hội… Ngược lại ngoài xã hội có rất nhiều người xứng đáng lại không thể tham gia trúng cử đại biểu Quốc hội”.
Từ đó, ông Ngô Ngọc Trai đề nghị “lãnh đạo nhà nước cần phải cải cách chế độ bầu cử ứng cử, dành không gian cho các ứng viên tự do ngoài xã hội được có cơ hội thành công khi tham gia ứng cử bầu cử vào Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố”.

Theo luật sư Trai, một khi làm được điều đó sẽ “củng cố nội lực quốc gia, nhất là ở thời kỳ môi trường quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến phát triển của đất nước như hiện nay”.
Trong khi đó, trên trang Facebook của mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng bước tiếp theo cần làm là xác minh nguồn gốc tài sản của ông Phạm Phú Quốc, trong đó có khoản 2,5 triệu USD “mua quốc tịch Cyprus”.
Theo quy định hiện hành, ông Phạm Phú Quốc nằm trong diện phải kê khai tài sản.
Còn nhà báo Quốc Phong viết trên trang cá nhân: “Tôi không tin Phạm Phú Quốc đã là đại biểu Quốc hội cuối cùng có 2 quốc tịch trong khóa này. Có thể còn mà chưa bị lộ”.
Luật không cấm?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại biểu Quốc hội và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội đang có hiệu lực quy định các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội: trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Từ các quy định trên, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề đại biểu Quốc hội có thêm quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam. Có ý kiến cho rằng luật chỉ quy định đại biểu “là công dân Việt Nam” nhưng không có điều khoản quy định “chỉ mang duy nhất quốc tịch Việt Nam”.

Phát biểu trên báo Tuổi Trẻ, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa luật Đại học Kinh tế – Luật, Đại học quốc gia TP HCM, cho rằng nếu chiếu theo quy định pháp luật hiện hành thì đại biểu Quốc hội có đồng thời một quốc tịch khác là không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông Quang cũng nêu ý kiến rằng việc này là không được, cần phải điều chỉnh. Lý do là nếu xét theo tiêu chuẩn thì đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, quyền lợi của nhân dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc.
“Nếu đại biểu Quốc hội cũng đồng thời là công dân quốc gia khác thì e rằng không đáp ứng được tiêu chuẩn trung thành, chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người dân Việt Nam”, ông Quang nêu ý kiến.
Xuất phát từ quy định không rõ ràng trong các luật hiện hành và thực tế một số đại biểu Quốc hội bị phát hiện có thêm quốc tịch nước ngoài, Việt Nam đã có sự điều chỉnh về luật pháp. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có thêm quy định đối với đại biểu Quốc hội là: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Liên quan: